\r\n Ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ta đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt đang tăng cả về diện tích và sản lượng, tận dụng các lợi thế về năng suất và thị trường tiêu thụ, đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành.
\r\n
\r\n Tuy nhiên, cùng với sự phát triển cả về diện tích mặt nước nuôi, tổng sản lượng thủy sản/ năm cũng như nhu cầu của thị trường là sự phát sinh dịch bệnh, làm chết hàng loạt tôm, cua, cá… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hiện nay phương pháp xử lý truyền thống ở nước ta là dùng xác cá làm thức ăn cho các loài động vật khác hoặc chôn yếm khí. Tuy nhiên, những phương pháp này còn tồn tại một số hạn chế như: dễ lan truyền mầm bệnh, chi phí tốn kém, ô nhiễm môi trường. TS. Phạm Hồng Ngân – Khoa Thú y cùng cộng sự đã tìm ra phương pháp ủ hiếu khí giải quyết được những vấn đề trên, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
\r\n
\r\n Nguyên liệu được sử dụng nghiên cứu là xác cá chết, phân và chất độn chuồng chăn nuôi vịt thu gom tại các hộ chăn nuôi kết hợp cá – vịt thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội và trấu lấy từ các cơ sở xay xát gạo thuộc xã Đại Xuyên, Phú Xuyên. Địa điểm nghiên cứu tại một số hộ chăn nuôi cá – vịt kết hợp tại huyện Phú Xuyên, phòng thí nghiệm thuộc Bộ môn Thú y Cộng đồng, Khoa Thú y và một số phòng thí nghiệm thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Bố trí 2 lô thí nghiệm, lô 1 chỉ sử dụng nguyên liệu xử lý xác cá là trấu, theo tí lệ cá trấu là 3:1
\r\n
\r\n Lô 2 sử dụng nguyên liệu để xử lý xác cá là phân, chất độn chuồng vịt và trấu, theo tỉ lệ khối lượng xác cá, phân và chất độn chuồng vịt, trấu là 3,5:1:1. Kiểm tra biến thiên nhiệt độ đống ủ hàng ngày bằng nhiệt kế điện tử. Vị trí đặt nhiệt kế của lớp vỏ cách bề mặt đống ủ 5cm; vị trí kiểm tra bề mặt đống ủ cách bề mặt 20 - 50cm. Mỗi vịt trí đặt tại 3 điểm rồi lấy giá trị trung bình. Độ ẩm nguyên liệu và sản phẩm sau khi xử lý xác định theo phương pháp sấy khô ở 105 độ C trong 24h theo quy trình APHA.
\r\n
\r\n PH đống ủ xác định theo phương pháp của Turan. Nitơ, P2O5 và cacbon tổng số xác định theo phương pháp mô tả bởi Maria et al.Các số liệu được xử lý sơ bộ bằng phần mềm Excel 2003 sau đó được phân tích bằng Minitab.
\r\n
\r\n Kết quả theo dõi nhiệt độ cho thấy, nhiệt độ ở các lô 1 và 2 tăng lên đáng kể sau khi ủ 4,5 ngày, ở lô 2 nhiệt độ có thể lên tới đỉnh 73.5 độ C. Bản chất của quá trình gia tăng nhiệt độ trong đống ủ của các lô thí nghiệm là do sự tham gia của vi sinh vật có mặt trong ruột, xác cá chết, trong phân vịt phân hủy các chất hữu cơ từ xác cá, phân vịt và giải phóng năng lượng. Bổ sung vỏ trấu, cung cấp độ ẩm là điều kiện cần thiết cho các vi sinh vật phân giải xác cá, làm cho quá trình phân giải hiếu khí diễn ra nhanh hơn, nhiệt độ đạt đỉnh cao hơn và duy trì lâu hơn. Đây là ưu điểm của phương pháp ủ hiếu khí mà phương pháp ủ yếm khí không có được. Phương pháp ủ này còn làm giảm khả năng phát thải các khí H2S, NH2, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chuồng nuôi và không khí, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Cần nhân rộng mô hình này để xử lý chất thải trong chăn nuôi cùng như xử lý xác động vật khi có dịch xảy ra. Đồng thời nghiên cứu sản phẩm sau khi ủ hiếu khí để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất cũng như cây trồng trong ngành trồng trọt.
\r\n
\r\n