Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) do một loại DNA vi rút rất dễ lây lan thuộc họ Asfarviridae gây ra. DTLCP đã được công nhận là một trong những bệnh nguy hiểm nhất của ngành chăn nuôi lợn vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội đối với việc buôn bán lợn và các sản phẩm thịt lợn trong nước và quốc tế. Từ năm 2018 đến nay, nhiều đợt bùng phát DTLCP đã được báo cáo ở Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Bắc và Hàn Quốc. Đợt bùng phát dịch DTLCP đầu tiên được xác nhận tại Việt Nam vào tháng 2 năm 2019 và đã lan ra tất cả 63 tỉnh thành, dẫn đến việc tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn, do đó đẩy giá thịt lợn lên mức cao kỷ lục. Trong trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra bùng phát, việc tiêu hủy động vật bị bệnh và phơi nhiễm là các biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải khi thực hiện biện pháp này là lượng xác động vật nhiễm và phơi nhiễm cần được xử lý quá lớn. Chôn ngay tại trang trại, chôn tại các bãi đất xa trang trại, thiêu, và ủ hiếu khí (compost) đã được biết đến là những phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để xử lý xác động vật trong các đợt dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lựa chọn phương pháp xử lý khác nhau do có các chính sách và quy định khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các phương pháp này không đáp ứng được tất cả các yêu cầu cần thiết như an toàn sinh học, được cộng đồng chấp nhận, thân thiện với môi trường, chi phí thấp, thời gian ngắn, và công suất lớn. Tại Việt Nam, chôn và đốt là những biện pháp xử lý duy nhất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến nghị sử dụng khi có dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, các phương pháp này bộc lộ rất nhiều hạn chế trong quá trình áp dụng. Nhiều trang trại ở Việt Nam không có bãi chôn lấp và lò đốt, do đó, một số lượng lớn xác vật nuôi mắc bệnh bị vứt ra sông, hồ và ven đường, làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh (USDA 2019b). Điều này cho thấy các phương pháp mới để xử lý xác vật nuôi mắc bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi là rất cần thiết để bổ sung và thay thế các phương pháp đang được áp dụng tại Việt Nam. So với chôn và đốt, compost được cho là biện pháp có nhiều ưu điểm hơn như: thời gian phân huỷ xác nhanh, chi phí thấp, an toàn sinh học cao và thân thiện với môi trường hơn. Compost đã được áp dụng rộng rãi và thành công ở Úc, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada cho cả việc xử lý xác động vật hàng ngày và trong khi có dịch. Compost đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc xử lý xác vật nuôi mắc bệnh lở mồm long móng và tiêu chảy cấp trên lợn tuy nhiên thì chưa có công bố nào về hiệu quả của phương pháp compost trong việc xử lý xác lợn nhiễm DTLCP. Vì vậy với sự hỗ trợ của Học viện chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Ứng dụng kỹ thuật compost hiếu khí xử lý xác lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam”, mã số T2019 - 03 -07TĐ nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp compost để xử lý xác lợn mắc DTLCP.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy phương pháp ủ hiếu khí sử dụng trấu và mùn cưa có khả năng vô hoạt vi rút DTLCP trong xác lợn sau 3 ngày ủ. Nhiệt độ của đống ủ sử dụng trấu nhiệt độ cao hơn đống ủ sử dụng mùn cưa, nhiệt đạt đỉnh 73oC ở ngày thứ 6 sau khi ủ. Trong quá trình ủ không phát hiện thấy khí độc NH3 và H2S. Sau 90 ngày ủ xác lợn gần như phân hủy hoàn toàn, chỉ còn lại xương sọ, xương đùi, xương chậu nhưng đã xốp mềm.

Sản phẩm compost sau 90 ngày ủ có hàm lượng dinh dưỡng cao, Nito tổng số dao động từ 2,43% đến 2,53%, pH trung tính và không chứa vi khuẩn gây bệnh E. coliSalmonella. Phân compost sau 90 ngày ủ rất hiệu quả trong việc thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của rau màu.

 

leftcenterrightdel
 

 

- TS. Hoàng Minh Đức và nhóm NC, Khoa Thú y

- Ban Khoa học và Công nghệ