Trong thực tiễn hiện nay, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng bởi hiện trạng bệnh truyền qua thực phẩm đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất về kinh tế và tác động đến đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc nhưng đa số các trường hợp có tác nhân là vi sinh vật. Theo số liệu thống kê của tổ chức FAO và WHO thì số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm có tới 90% là do thịt bị vấy nhiễm vi sinh vật trong quá trình giết mổ, chỉ có 10% là do thịt gia súc bệnh. Tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nói chung và E. coli nói riêng cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các chủng có khả năng sản sinh men ESBLs, đây là những chủng vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh β- lactam thế hệ mới như cephalosporin thế hệ thứ ba và thứ 4 , dòng kháng sinh được WHO xếp vào danh mục các loại kháng sinh cực kỳ quan trọng và rất quan trọng, thường được sử dụng làm thuốc điều trị nhiễm trùng do E. coli và các loại vi khuẩn khác.

Kết quả điều tra tại các nước khác cũng cho thấy tình trạng đáng báo động về hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn này. Hiện trạng sử dụng kháng sinh rộng rãi trong chăn nuôi và 4 chưa được kiểm soát tốt là yếu tố nguy cơ làm cho quá trình điều trị bệnh ở vật nuôi và người không có hiệu quả và làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn E. coli kháng kháng sinh gần đây đã được tìm thấy trên cả người, động vật và môi trường. Chính vì vậy mà E. coli kháng thuốc, đặc biệt là các chủng có khả năng sản sinh men ESBLs, ngày càng thu hút được sự quan tâm của toàn nhân loại.

Nghiên cứu được tiến hành với mục đích xác định tỷ lệ nhiễm, khả năng kháng kháng sinh và đặc tính sinh học phân tử của vi khuẩn E. coli sản sinh men ESBLs từ mẫu thịt được thu thập từ các chợ bán lẻ trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Kết quả cho thấy các mẫu thịt gà và thịt lợn có tỷ lệ nhiễm E. coli rất cao (>60%), đây là điều khó tránh khỏi vì trong quá trình đi mua mẫu chúng tôi quan sát thấy hầu hết các quầy bán thịt đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. thịt được bày bán trên các mặt bàn bằng gỗ, bìa cát tông,... bàn bày bán thịt không được vệ sinh sát trùng thường xuyên là nguy cơ lây nhiễm E. coli từ mặt bàn vào thịt là rất cao. Người bán hàng tại các quầy thịt không đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với thịt, các dụng cụ được sử dụng trong quá trình buôn bán thịt không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, nguyên nhân các chợ có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn E. coli trong thịt gà và thịt lợn cao có thể do thịt đã có sự vấy nhiễm từ trong lò mổ, ngoài điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị không đảm bảo vệ sinh, các cơ sở này còn không thực hiện tốt quy trình giết mổ. 

Kết quả kháng sinh đồ cho thấy tỷ lệ kháng của các chủng E. coli phân lập được với Tetracycline là cao nhất, tiếp theo là Sulfamethoxazole/Trimethoprime và Erythromycin, Streptomycin, Amoxicillin, Ampicillin. Ngược lại, tuy tỷ lệ kháng với Ceftazidime, Cefotaxime là thấp nhất nhưng đây cũng là con số đáng báo động về khả năng kháng cephalosporin thế hệ 3 của E. coli nói riêng và của vi khuẩn đường ruột nói chung.

Chỉ có 3 chủng kháng từ 0 đến 4 kháng sinh, chiếm tỷ lệ thấp nhất là 2,65%. Trong khi đó có 73 chủng kháng với hầu hết các loại kháng sinh, chiếm tỷ lệ cao nhất với 43 kiểu hình đa kháng. Đặc biệt có tới 9 chủng kháng hoàn toàn với cả 14 loại kháng sinh.

Trong số các chủng mang kiểu hình ESBL được kiểm tra gen mã hóa men ESBLs, gen blaCTX-M chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo lần lượt là các gen blaTEM, blaSHV. Đáng chú ý có tới 21,43% số chủng kiểm tra mang cả hai gen blaCTX-M và blaTEM.

Để hạn chế tình trạng vấy nhiễm vi khuẩn E. coli  vào thân thịt, tại các cơ sở giết mổ động vật và các cơ sở kinh doanh cần tuân thủ chặt chẽ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu thông. Tại các nơi bày bán, dụng cụ bày bán, bảo hộ, bảo quản phải đảm bảo vệ sinh. Đồng thời cần triển khai các biện pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli gia tăng: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết cho người chăn nuôi về mặt lợi và hại của kháng sinh, của việc dụng kháng sinh không đúng loại, liều lượng, thời gian. Các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt việc mua, bán kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, phải thanh tra nghiêm ngặt, thường xuyên, tạo sự công bằng trong chăn nuôi và có chế tài đủ sức răn đe, tiến tới cần có luật chăn nuôi, đầu tư thiết bị, kĩ năng cho các phòng thí nghiệm để phát hiện nhanh, chính xác những mẫu tồn dư kháng sinh. Nên tìm các thảo dược hay chế phẩm từ những vi khuẩn có lợi thay thế thuốc kháng sinh. Cần có thêm các nghiên cứu về vi khuẩn này để hiểu rõ hơn về vi khuẩn phục vụ cho quá trình nghiên cứu vaccine và nghiên cứu các chế phẩm sinh phẩm để kiểm soát chúng.

leftcenterrightdel
 

 

 

TS. Hoàng Minh Đức và nhóm NC

(Trần Thị Khánh Hòa, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Thế Hoàng Long, Phạm Hải Đăng, Tống Khánh Linh)

Khoa Thú y