Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận tinh túy nhất của nguồn nhân lực. Đó là những người lao động có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn và chuyên môn cao, có kỹ năng lao động giỏi, có năng lực sáng tạo và có khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của thực tiễn. Thực tiễn lịch sử đã, đang và ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, công cuộc kháng chiến kiến quốc nước nhà luôn cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ngày 20/11/1946, Hồ Chí Minh đã viết: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. [2;114.]

Việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước, theo Hồ Chí Minh là nhiệm của Đảng, Nhà nước. Trong Di chúc, khi đề cập đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, Hồ Chí Minh căn rặn rằng: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” [4; 622], có đủ năng lực tiếp nhận và giải quyết công việc khi được giao nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan dễ bảo “đập đi hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng.

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc kiến thiết đất nước, theo Hồ Chí Minh, Nhà nước cần phải có những chính sách bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp. Trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” đăng trên Báo Nhân dân, ngày 1/5/1951, Người khẳng định: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng...” [3; 71]

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc kiến thiết nước nhà đã được Người cụ thể hóa bằng hành động. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử những thanh niên ưu tú nhất ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Trong bối cảnh đất nước ta khi đó, trình độ dân trí còn thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao hết sức hạn chế, Người chỉ rõ: “Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học,… vì vậy, ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp.” [3; 624]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thấy tầm nhìn chiến lược của Người, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai, không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cho cái gốc của sự nghiệp cách mạng được thực sự vững bền và ngày càng phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có giá trị thời đại, đặc biệt đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp hiện nay.

Hiện nay, Việt nam đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, trực tiếp nuôi sống hơn 60% dân số nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần thực hiện thành công trong chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và tạo ổn định chính trị, kinh tế xã hội, góp phần tạo vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp vẫn hết sức hạn chế, Theo Tổng cục Thống kê [5], đến năm 2020, số dân của cả nước là 97,576 triệu người, trong đó, nông thôn chiếm là 61,645 triệu người (khoảng 63% dân số của cả nước). Lực lượng lao động trung bình cả nước năm 2020 là 54,844 triệu người; lực lượng lao động của khu vực nông thôn là 36,671 triệu chiếm 66,9%. Năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động [6]. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và định hướng xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp.

 

leftcenterrightdel
 Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn tiên phong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn (Nguồn ảnh: ngaymoionline.vn)

 

Nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh: “tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; .... tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở” [1]. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2008), Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15.

5. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020.

6. Tổng cục thống kê (2021), Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.

 

ThS. Đỗ Thị Hạnh – Khoa Khoa học xã hội