Trong quy hoạch tổng thể phát triển Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu chiến lược đã được chỉ rõ: Xây dựng Học viện thành trường đại học nghiên cứu, phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược nêu trên cần phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố tiên quyết là: đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và đào tạo và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.

Qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư nhằm tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Sự đầu tư kinh phí từ các chương trình mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn từ nguồn thu bổ sung ngân sách đã đem lại cho các phòng thí nghiệm một số lượng đáng kể các trang thiết bị hiện đại.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, Học viện luôn xác định xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học. Bên cạnh các chính sách linh hoạt để đào tạo đội ngũ giảng viên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện đã xây dựng và quyết tâm thực hiện chủ trương thu hút nhân tài, các chuyên gia, các nhà khoa học về hợp tác, làm việc và cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội. Việc thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín về làm việc ở Học viện được chú trọng đặc biệt để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, góp phần thực hiện nhanh và thành công chiến lược phát triển Học viện.

Với mục tiêu: Thu hút được các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, có phẩm chất và năng lực phù hợp với nhu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Học viện; Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao kết quả KHCN vào sản xuất và đời sống; Tăng cường chất lượng các công bố, phát triển tạp chí của Học viện thành tạp chí có uy tín hàng đầu tiến tới gia nhập hệ thống SCOPUS; Tăng cường học thuật cho Học viện, tăng cường năng lực tư vấn tham mưu chính sách của Học viện cho Đảng và Nhà nước... Trung tâm Chuyên gia là đơn vị trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được thành lập với tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Center for Expertise. Trung tâm Chuyên gia có chức năng tham mưu, tư vấn cho Ban giám đốc về chương trình thu hút chuyên gia đến làm việc tại Học viện; Trung tâm có chức năng tư vấn các chương trình đào tạo, chương trình hợp tác, xây dựng kế hoạch phát triển của Học viện và tham mưu, tư vấn chính sách của Học viện cho Đảng và Nhà nước; Đề xuất và chủ trì triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (khuyến nông) và chức năng tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy công tác truyền thông quảng bá hình ảnh của Học viện.

Giám đốc Trung tâm là NGND. GS.TS Trần Đức Viên (Chủ tịch Hội đồng Học viện) là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, người có tâm huyết và tầm nhìn sâu rộng sẽ chịu trách nhiệm định hướng các hoạt động phát triển Trung tâm.

Trụ sở chính của Trung tâm được đặt tại Tầng 2 Nhà hành chính, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cơ sở vật chất của Trung tâm được Học viện quan tâm đầu tư gồm khu làm việc riêng, có trang bị đầy đủ tạo điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia làm việc.

Trung tâm có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

+ Xây dựng tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển của trung tâm phù hợp với định hướng phát triển của Học viện.

+ Trực tiếp quản lý các chuyên gia trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và truyền thông. Phối hợp với các Đơn vị chức năng, các Khoa chuyên môn trong Học viện để thực hiện các nhiệm vụ được giao:

- Phối hợp với Ban tổ chức cán bộ để lựa chọn chuyên gia, xây dựng Điều khoản giao việc, trình Giám đốc Học viện xem xét; Quản lý các hoạt động của chuyên gia đảm bảo đúng hợp đồng lao động với các điều khoản giao việc đã được ký kết.

- Phối hợp với Ban khoa học công nghệ, các Bộ môn, các Khoa chuyên môn để đánh giá kết quả, hiệu quả làm việc của chuyên gia; kiến nghị với Giám đốc Học viện (thông qua Ban tổ chức cán bộ) tiếp tục hoặc thanh lý hợp đồng lao động đối với chuyên gia khi cần thiết.

- Phối hợp với Ban Quản lý đào tạo và các Bộ môn, Khoa, các Trung tâm trong việc tổ chức giảng dạy, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về nghiên cứu khoa học của chuyên gia.

- Phối hợp với Ban Tài chính và Kế toán và các lĩnh vực liên quan trong việc quản lý kinh phí hoạt động của các chuyên gia.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan khác trong Học viện để thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

+ Được sử dụng cơ sở vật chất của Học viện trang bị cho các hoạt động của Trung tâm theo qui định. Chủ động tìm kiếm các dự án, các nguồn tài trợ hợp pháp và các nguồn lực khác để phát triển nâng cấp cơ sở vật chất của Trung tâm.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo qui định của pháp luật và Giám đốc Học viện giao.

Các hoạt động của trung tâm gồm:

+ Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng: Giảng dạy (NCS, Cao học, SV); Hướng dẫn NCS, Học viên CH, SV, nhóm NC; Hội đồng đánh giá (luận án TS, luận văn Th.S, khoá luận ĐH); Chủ trì, tham gia các hội thảo, seminar khoa học, giảng dạy kỹ năng mềm cho cán bộ và sinh viên.

+ Hoạt động nghiên cứu khoa học: Xây dựng và phát triển mới nhóm nghiên cứu khoa học theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, phù hợp với điều kiện của Học viện: Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu mới; Thực hiện các đề tài NCKH các cấp, các Dự án KHCN trong nước và quốc tế, thực hiện chuyển giao KHCN cho địa phương; Biên soạn giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn cho Nông dân.

+ Hoạt động tư vấn: Tham gia biên tập, phản biện các bài tổng quan, bài báo (tiếng Anh, tiếng Việt) nâng cao uy tín Tạp chí của Học viện; Tư vấn, chỉnh sửa đề tài, dự án NCKH, hỗ trợ tìm kiếm nguồn tài trợ; Tư vấn xây dựng chương trình đào tạo, chương trình hợp tác QT; Tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp, địa phương và nông dân. Tăng cường các hoạt động khuyến nông.

+ Hoạt động truyền thông quảng bá: Thực hiện các hoạt động quảng bá hình ảnh của Học viện, nâng cao uy tín vị thế của Học viện, thu hút sinh viên vào học ngành Nông nghiệp (đầu vào); Liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp để: (i) Hỗ trợ việc làm (tìm đầu ra) cho sinh viên tốt nghiệp; (ii) Hợp tác nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm của Học viện; Nghiên cứu tìm hiểu thị trường và xu thế phát triển xã hội để định hướng cho đào tạo, tăng cường gắn kết lý thuyết với thực tiễn.

Kế hoạch nhân sự trong thời gian tới, Học viện ưu tiên thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học về làm việc tại Học viện ở các lĩnh vực sau:

- Thủy sản: Nuôi trồng thủy sản, đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, dịch bệnh thủy sản, môi trường thủy sản:

- Chăn nuôi: Chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: rắn, ong, gà, lợn rừng...

- Thú y: văcxin, bệnh lý, dược học...

- Công nghệ sinh học: di truyền, chọn giống,...

- Cơ điện, Công nghệ thực phẩm: chế tác máy nông cụ, chế biến thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp CNC...

- Nông học: cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả, tưới tiêu, phân bón, bảo vệ thực vật.

- Kinh tế - xã hội và chính sách: chính sách công, quản lý kinh tế, chuỗi giá trị, xã hội học nông thôn, phân tích ngành hàng.

- Nghiên cứu thị trường và truyền thông, quảng bá.

- Quản lý đất đai: khoa học đất - thổ nhưỡng; quy hoạch đất đai, kinh tế đất.

- Môi trường nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và bảo vệ môi trường.

- Ngoại ngữ: chuyên gia dạy tiếng Anh, Biên tập viên tiếng Anh, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Mặc dù Trung tâm Chuyên gia mới thành lập nhưng đã nhận được sự ủng hộ hợp tác làm việc của các chuyên gia các nhà khoa học uy tín như  PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ (Đất đai, Phân bón và Nông học); PGS.TS. Tô Long Thành (Thú y);  GS.TSKH Trần Duy Quý (Di truyền - Chọn tạo giống cây trồng); GS.TS. Trần Khắc Thi (Rau và Hoa quả); TS. Lê Văn Khoa (Nuôi trồng Thuỷ sản) và một số chuyên gia khác.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã và đang ủng hộ chủ chương và định hướng phát triển của Học viện. Học viện rất mong được tiếp tục chào đón các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc, hợp tác với Học viện về các lĩnh vực mà Học viện đang quan tâm.