Nuôi trồng thuỷ sản bền vững là định hướng phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam đang hướng đến. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng vẫn còn tồn tại, do đó phương pháp này đang dần trở nên kém hiệu quả khi các sản phẩm thuỷ sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta và một trong những điều kiện tiên quyết để được thị trường tiêu thụ chấp nhận là không tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm. Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu (ECDC), hằng năm ở Châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc (Phan Quốc Hoàn, 2017). Ngoài những nguy hiểm của tình trạng kháng kháng sinh, việc lạm dụng kháng sinh cũng dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiêu thụ sản phẩm còn tồn dư kháng sinh. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm dẫn đến tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho những vi sinh vật có hại không bị ảnh hưởng của kháng sinh phát triển mạnh mẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong tương lai. Do đó, việc tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất vật nuôi và an toàn với sức khoẻ con người cũng như bảo vệ môi trường là hết sức cấp bách. Một trong những xu hướng được đánh giá cao là sử dụng các loại thảo dược. Thảo có nghĩa là cỏ cây, còn dược nghĩa là thuốc. Những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên được sử dụng để điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh. Có thể lấy ở bất cứ phần nào trên cây như thân, lá, hoa, trái, vỏ thân, vỏ trái, rễ cành ở dạng tươi hoặc đã qua sơ chế, chế biến, dịch chiết để làm thảo dược. Nói cách khác thảo dược là những loài cây được dùng làm thuốc chữa bệnh. Trong nuôi trồng thủy sản vấn đề sử dụng thảo dược cũng đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa có nguồn tài nguyên thực vật phong phú với nhiều loài thực vật có tiềm năng sử dụng làm thảo dược trong nuôi trồng thủy sản.
Một số loài thảo dược dùng trong nuôi trồng thủy sản
1. Cây ổi ((Psidium guajava)
Joseph & Priya (2011) đã thử nghiệm khả năng kháng khuẩn và kháng nấm bằng cách sử dụng phương pháp khuếch tán thạch đối với các loại vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa, nấm Candida albicans. Theo các tác giả, tinh dầu ổi có khả năng tác động vào màng tế bào vi sinh vật, làm cho màng tế bào thấm nhiều hơn hoạt chất kháng khuẩn. Một số công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy tinh dầu ổi có tính đề kháng mạnh mẽ chống lại Yarrowia lipolytica (nấm men gây bệnh), ngoài ra chúng còn có khả năng chống lại Staphylococcus aureus, Salmonella và Escherichia coli được phân lập từ tôm. Gần đây, tinh dầu ổi được chứnh minh có tác dụng ức chế, chống lại vi khuẩn Bacillus cereus, Enterobactor aerogenes và Pseudomonas fluorescens. Lá ổi có khả năng chống lại các vi sinh vật kể trên là do chứa nhiều flavonoid,tanin, saponin, các steroid, đặc biệt là quercetin. Phần lớn hoạt tính sinh học của lá ổi là do quercetin có hoạt tính kháng khuẩn cao (Yoriko Deguchi & Kouji Miyazaki, 2010).
2. Diệp hạ châu (Phylanthus amarus)
Trong cây diệp hạ châu chứa rất nhiều chất thuộc các nhóm hóa học như Flavonoid, Triterpen, Tanin, Phenol, Axit hữu cơ, Lignan, Các thành phần khác: n-octadecan, axit dehydrochebulic methyl ester, triacontanol, phylanthurinol acton. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn. Một số nghiên cứu cho thấy trong cây diệp hạ châu chứa hàm lượng phenolic cao và có khả năng chống oxy hóa tốt (Maity & cs., 2013, Sen & Batra, 2012). Nghiên cứu của Trần Minh Phú & cs., 2021 nhằm đánh giá khả năng sử dụng dịch chiết diệp hạ châu đến chất lượng của tôm sú trong điều kiện bảo quản lạnh. Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức. Tôm (25-30 g/con) được ngâm trong dịch chiết diệp hạ châu với nồng độ khác nhau 7,71 µg/ml, 156 µg/ml và ngâm trong nước lạnh (nghiệm thức đối chứng) ở 4°C trong 30 phút. Sự biến đổi chất lượng của tôm được đánh giá qua các chỉ tiêu: tổng số vi khuẩn hiếu khí, điểm cảm quan, độ đàn hồi, khả năng giữ nước, tổng lượng nitơ base bay hơi, chỉ số peroxyde, chỉ số TBARs, ẩm độ và pH. Kết quả cho thấy tôm sú có xử lý diệp hạ châu 7,71 µg/ml và 156 µg/ml có giá trị cảm quan cao hơn tôm sú ở mẫu đối chứng trong suốt 12 ngày của quá trình bảo quản lạnh. Tôm được xử lý với dịch chiết diệp hạ châu có khả năng làm giảm sự phát triển của tổng vi khuẩn hiếu khí và ức chế một phần hình thành sản phẩm oxy hóa sơ cấp và thứ cấp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cây Diệp hạ châu có tác dụng rất khả quan trong việc phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra.
3. Lưỡi rắn ((Hedyotis corymbosa L.)
Trong cây lưỡi rắn có chứa corymbosin, asperulosid, axit geniposidic, scandosid, asperglavcid. Ngoài ra trong lá còn chứa rất nhiều vitamin C. Phần trên mặt đất chứa de-acetylasperulosid, asperulosid, axit asperulosidic, axit deacetylasperulosidic, 10-O-p.hydroxylbenzoyl scandosid methyl ester… Tác dụng kháng khuẩn trên in vitro không mạnh. Cây Lưỡi rắn có tác dụng yếu đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế kháng viêm nhiễm có thể là do cây tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể; làm tăng hoạt lực tế bào thực bào từ đó làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu. Ngoài ra cây còn được ghi nhận khả năng tăng cường chức năng của vỏ thượng thận. Vì vậy tăng khả năng chống viêm,
4. Cây cỏ mực (Eclipta prostrate)
Cây Cỏ Mực còn gọi là cây Nhọ Nồi, thường được dùng cầm máu bên trong và bên ngoài, chữa ho ra máu, lao phổi lỵ ra máu; cũng được dùng chữa ho, bỏng, chống viêm nhiễm trong các trường hợp cảm sốt, cúm, ban sởi, nhiễm khuẩn đường hô hấp, trị mụn nhọt, viêm cơ lở ngứa, đau mắt, sưng răng, đau dạ dày; điều trị nấm da, eczema, vết loét, viêm da; (Võ Văn Chi & cs., 1999).
Cao chiết methanol cây cỏ mực cũng được thử nghiệm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn với 12 chủng vi khuẩn Vibrio spp. được phân lập từ 30 mẫu ruột tôm sú, thu từ sáu ao nuôi khác nhau. Thí nghiệm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết cỏ mực được thực hiện ở các nồng độ 8, 16, 32, 64 và 128 μg/ml. Hiệu quả kháng khuẩn ghi nhận ở 10/12 chủng vi khuẩn phân lập, trong đó nồng độ 8 μg/ml cho đường kính vòng kháng khuẩn đạt 30,3mm đối với chủng G5, chủng được xác định có tỉ lệ tương đồng 99% với V. parahaemolyticus (Đái Thị Xuân Trang & cs., 2015).
5. Cây mật gấu (Vernonia amygdalina del.)
Thành phần của Cây mật gấu có chứa chất alkaloids, saponin, tannin, glycoside và Các hợp chất sinh học như terpene, steroid, coumarin, flavonoid, axit phenolic, lignan, xanthone, anthraquinone, edotide and sesquiterpene có vai trò trong điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, chống viêm.
Trong thành phần lá của cây mật gấu còn chứa các chất khoáng như magnesium, chromium, manganese, selenium, sắt, đồng, kẽm, Vitamin A, E, C, B1, B2, protein thô, chất xơ, chất béo, tro, carbohydrate, các axit amin quan trọng: Leucine, Isoleucine, Lysine, Methionine, Phenyl alanine, Threonine, Valine, Histidine, Tyrosine.
6. Cây chùm ngây (Moringa oleifera)
Nghiên cứu tại Institute of Bioagricultural Sciences, Academia Sinica, Đài Bắc (Taiwan) cho thấy dịch chiết từ lá và hạt Chùm ngây bằng ethanol có các hoạt tính diệt được nấm gây bệnh loại Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis. Các phân tích hóa học đã tìm được trong dầu trích từ lá Chùm ngây đến 44 hóa chất. (Bioresource Technology Số 98-2007). Ngoài ra trong hạt cây chùm ngây có
4 (alpha-L-Rhamnosyloxy) benzyl isothiocyanate được xác định là có hoạt tính kháng sinh mạnh. Hợp chất trên ức chế sự tăng trưởng của nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh. Nồng độ tối thiểu để ức chế Bacillus subtilis là 56 micromol/l và để ức chế Mycobacterium phlei là 40 micromol/l (Planta Medica Số 42-1981).
7. Cây Thầu dầu (Ricinus communis L.)
Nghiên cứu của Hồng Mộng Huyền & cs., 2018 khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của 7 loại chất chiết thảo dược (thầu dầu, lưỡi rắn, mật gấu, chùm ngây, lược vàng, ô rô và sài đất trên hai chủng vi khuẩn thường gây bệnh cho tôm nuôi Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus. Kết quả thí nghiệm cho thấy Bảy loại cao chiết có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau, trong đó cao chiết thầu dầu (Ricinus communis L.) cho hiệu quả cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn 17 - 18mm, kế đến là cao chiết mật gấu (Vernonia amygdalina del.), chùm ngây (Moringa oleifera), ô rô (Acanthus ilicifolius L.) và sài đất (Wedelia calendulacea (L) Less.) với đường kính vòng vô khuẩn ở mức trung bình từ 10-11mm. Ngược lại, đường kính vòng vô khuẩn thấp nhất trên cả hai chủng vi khuẩn thu được từ dịch chiết cây lưỡi rắn (Hedyotis corymbosa L.) và lược vàng (Callisia fragrans) với vòng kháng khuẩn tương ứng là 7mm và 8mm; Kết quả cũng được xác định hiệu quả ở cao chiết thầu dầu đối với V. harveyi, V. parahaemolyticus, tương ứng với giá trị MIC và MBC là 1,25 mg/ml và 2,5 mg/ml; 2,5 mg/ml và 5,0 mg/ml.
8. Cây bàng (Terminalia catappa)
Trong lá bàng có chứa nhiều Tannin. Khi cho lá bàng vào nước, các Tannin được giải phóng làm giảm dần độ pH và được cho là có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn. Theo nghiên cứu (Chitmanat & cs., 2005), chiết xuất từ lá Bàng (Terminalia catappa) của Ấn Độ là một loại thuốc kháng với các vi khuẩn gây bệnh A. hydrophila. Sự phát triển của hai chủng của A. hydrophila đã được ức chế ở mức 0,5 mg/ml.
9. Lá thơm Oregano (Origanum vulgare)
Chứa hơn 30 chất kháng khuẩn. Làm giàu Artemia nauplii với chiết xuất methanol của Solanum trilobatum, Andrographis paniculata và Psorolea corylifolia và cũng làm giảm lượng Vibrio trong hậu ấu trùng tôm sú.
10. Cây sim (Rhdomyrtus tomentosa)
Hoa sim, dù màu tím hay trắng, đều chứa nhiều chất tannin, axit nicotinic, riboflavin (vitamin B2), flavonoic. Ngoài tác dụng sát khuẩn, các chất này còn có tác dụng chống ô-xy hóa và trung hòa các gốc tự do trong cơ thể. Chính vì vậy, hoa sim ngâm nước có thể dùng để vệ sinh các vết loét. Ngoài ra, bạn có thể lấy lá sim sắc thành nước để rửa vết thương, vế trày xước.
Bên cạnh đó, rhdomyrtone trong lá sim có vai trò như một chất kháng sinh. Chất giúp chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn nguy hiểm như escherichia coli và staphylococcus aureus. Theo nghiên cứu của Đặng Thị Lụa & cs., 2015 tác dụng diệt khuẩn của cao chiết lá sim và hạt sim (Rhdomyrtus tomentosa) đã được xác định đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với kết quả đường kính vòng vô khuẩn đạt được là 17,67mm đối với chủng V. parahaemolyticus KC13.14.2, 18mm với chủng V. parahaemolyticus KC12.02.0 và 19,3 mm với chủng Vibrio sp. KC13.17.5
11. Tỏi
Cao tách chiết thảo dược tỏi đều có tác dụng mần cảm với 6 loài vi khuần Vibrioparahemotycus, V. harveyi, V alginolyticus, ae Hydrophyla, Edwardsiella tarda, hafnia gây bệnh ở nước ngọt, lợ mặn (Bùi Quang tề, 2006). Chữa bệnh xuất huyết, hoại tử nội tạng trên cá tra. Tỏi và sài đất phòng trị bệnh ăn mòn vỏ kittin do vi khuẩn Vibrio spp cho tôm nuôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đặng Thị Lụa, Lại Thị Ngọc Hà & Nguyễn Thanh Hải (2015). Tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và hạt sim (Rhodomyrtus tomentosa) đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 13(7): 1101-1108.
Hồng Mộng Huyền, Võ Tấn Huy & Trần Thị Tuyết Hoa (2018). Hoạt tính kháng khuẩn của một số cao chiết thảo dược kháng vi khuẩn gây bệnh ở tôm nuôi. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 54 (Số chuyên đề: Thủy sản) (2): 143-150.
Minh, P. T., Duyên, H. T. K., Anh, Đào N. L., Quốc, P. H., Như, H. N. T., Trọng, T. N., Quốc, T. N., & Hagiwara, T. H. T. (2021). Ảnh hưởng của dịch chiết cây diệp hạ châu (Phyllanthus amarus schum. and thonn) đến chất lượng tôm sú (Penaeus monodon) trong điều kiện bảo quản lạnh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 57(CĐ Thủy Sản (Aquaculture), 80-90.
Maity, S., Chatterjee, S., Varryar, S., Sharma, A., Adhikari, S., & Mazumder, S. (2013). Evaluation of antioxidant activity and characterization of phenolic constituents of Phyllanthus amarusroot. Journal of agricultural and food chemistry, 61(14), 3443-3450.
Sen, A., & Batra, A. (2012). Determination of antimicrobial potentialities of different solvent extracts of the medicinal plant: Phyllanthus amarusSchum. and Thonn. International Journal of Green Pharmacy (IJGP), 6(1)
Võ Văn Chi (1999), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học.
NCM Dinh dưỡng thức ăn và NTTS