Việt Nam là nước có số lượng vịt nuôi đứng thứ hai trên thế giới với khoảng 100 triệu con (Thống kê chăn nuôi, 2023). Tuy nhiên dịch bệnh ở vịt nuôi ngày càng phức tạp với nhiều bệnh do virus (cúm gia cầm, dịch tả vịt, viêm gan vịt) và vi khuẩn (Salmonella, E. coli, tụ huyết trùng) gây ra. Thêm vào đó, việc chung biên giới với Trung Quốc (nước có số lượng vịt nuôi lớn nhất thế giới) khiến cho một số bệnh ở vịt luôn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Năm 2010, một hiện tượng bệnh ở vịt đẻ ược phát hiện ở Trung Quốc với biểu hiện giảm đẻ đột ngột trong vòng 1-2 tuần. Tỷ lệ nhiễm rất cao (lên đến 90%) và tỷ lệ chết dao động từ 5% đến 30%. Cao và cộng sự năm 2011 đã phân lập và nhận diện được virus có tên là Tembusu (TMUV) (Cao & cs., 2011). Virus Tembusu, thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae không chỉ tác động đến vịt đẻ mà còn có thể lây nhiễm cho vịt thịt, gà, ngỗng và chuột (Sun & cs., 2019). Năm 2019, nhiều địa phương ở Việt Nam đã xuất hiện vịt có biểu hiện nghi ngờ do virus Tembusu gây ra như giảm đẻ đột ngột, bại liệt, buồng trứng xuất huyết. Ở đàn vịt thịt, đặc biệt những đàn vịt bơ ở lứa tuổi khoảng 40-50 ngày tuổi có biểu hiện thần kinh, tiêu chảy nặng, chết nhanh với tỷ lệ chết cao lên đến 100% đàn. Đặng Hữu Anh và cộng sự (2019) đã lấy mẫu xét nghiệm ở một số đàn vịt bệnh và lần đầu tiên khẳng định sự có mặt của virus Tembusu ở Việt Nam. Bước đầu phân tích 3 chủng virus Tembusu trong nghiên cứu trên được xếp vào nhóm Thailand strains và gần gũi (về trình tự gen NS5B) với chủng virus Tembusu phát hiện ở Thái Lan năm 2013 (KR061333). Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh, và trong trường hợp cần phải nhập vắc xin về để phòng chống bệnh, việc lựa chọn vắc xin phù hợp chủng là cần thiết. Nhóm nghiên cứu mạnh Vi sinh vật - Bệnh truyền nhiễm Thú y cùng với TS. Đặng Hữu Anh, trưởng nhóm và là chủ nhiệm đề tài đã thực hiện nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học của virus Tembusu lưu hành ở vịt nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam nhằm mô tả được tình trạng lưu hành virus trong đàn vịt nuôi, đánh giá một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh, lây lan bệnh và so sánh sự tương đồng gen của virus Tembusu đang lưu hành với một số chủng virus Tembusu khác trên thế giới.

leftcenterrightdel
 

Kết quả cho thấy, bệnh do virus Tembusu đã xuất hiện ở đàn vịt nuôi tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hoà Bình với tỷ lệ mắc theo đàn tương ứng là 20%, 12% và 24%. Trong các đàn mắc bệnh, tỷ lệ ốm dao động từ 3,9% đến 16,4%, tỷ lệ tử vong dao động từ 43,3% đến 60,8%. Vịt dưới 30 ngày tuổi có tỷ lệ ốm thấp nhất (6%) nhưng tỷ lệ tử vong cao nhất (68%). Theo hướng sản xuất, vịt đẻ có tỷ lệ mắc cao hơn vịt thịt nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Theo phương thức chăn nuôi, vịt nuôi theo phương thức nuôi nhốt có tỷ lệ mắc cao hơn so với hình thức nuôi thả đồng. Đánh giá một số yếu tố nguy cơ cho thấy việc “Có người khác ra vào trại” và “Không khử trùng chuồng trại” là yếu tố nguy cơ làm phát sinh bệnh Tembusu ở vịt. Kết quả nghiên cứu sự tương đồng gen giữa virus Tembusu ở Việt Nam với virus Tembusu trên thế giới cho thấy: Chủng virus Tembusu ở Việt Nam được xếp vào nhóm Cluster 2.3, cùng với các chủng ở Trung Quốc năm 2020. Như vậy, bệnh do virus Tembusu gây ra ở vịt có sự đa dạng về chủng giống khi so sánh với chủng Tembusu năm 2019 (tương đồng với chủng Thái Lan 2013). Cần tiến hành thêm những nghiên cứu liên quan đến lưu hành chủng virus Tembusu trong cả nước và khả năng bảo hộ của vắc xin nhập khẩu với những chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam.