Ngày 28 tháng 9 năm 2015 Thủ Tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nghiên cứu quy trình công nghệ, biện pháp kỹ thuật để khai thác nhằm sử dụng bền vững nguồn gen có giá trị khoa học và ứng dụng cao, tập trung vào các đối tượng là nguồn gen bản địa thuộc nguồn quý đặc hữu của Việt Nam có nguy cơ suy thoái hoặc tuyệt chủng; nguồn gen có năng suất cao, chất lượng tốt, có tính chống chịu và thích nghi cao với ngoại cảnh, có giá trị khoa học và khả năng ứng dụng cho công tác chọn tạo giống. Tuy nhiên, các giống bản địa nói chung gà nói riêng thường có năng suất thấp nhưng mang các gen quý, đặc thù thích nghi với điều kiện sinh thái khắc nghiệt, sức chống chịu bệnh tật và chất lượng thịt ngon, hợp khẩu vị của người Việt đang bị xói mòn và một số giống có nguy cơ mất dần.

Như vậy, để chọn và nhân giống được các giống gà một cách bền vững và hiệu quả cần tìm ra và phát triển các giống bản địa có mang gen nâng cao năng suất trứng của gà bản địa trong đó có gà Ri của Việt Nam. Theo một tổng kết về sự phát triển của trong công tác chọn tạo nâng cao năng suất của giống gà Ri cho thấy giống gà có năng suất trứng luôn được cải tiến từ năng suất 115-120 quả/mái/năm (Nguyễn Huy Đạt và cs, 2005) trong giai đoạn trước năm 2005 đến hiện nay năng suất đã được nâng lên 135-150 quả/mái/năm (Ngô Kim Cúc và cs, 2016). Gen mã hóa prolactin nằm trên nhiễm sắc thể số 2 ở gà, bao gồm 5 exon, 4 intron, với 2 vùng điều khiển gần kề và xa (Cao et al, 1987; Li et al, 2009). Hormone prolactin là protein có kích thước phân tử 199 axit amin, tương ứng khối lượng phân tử 23 kDa. Sau khi gen prolactin ở gà được tách dòng và giải trình tự, hàng loạt nghiên cứu tập trung phân tích các điểm đa hình ở gen này đã được nhận dạng. Vùng promotor gen prolatin nằm ở điểm khởi đầu với vai trò kích hoạt phiên mã, có trách nhiệm trong việc biểu hiện hoạt động của gen. Nếu đột biến xảy ra trong vùng này, có thể làm thay đổi quá trình điều khiển bám dính của nhân tố phiên mã, vì vậy có thể ảnh hưởng đến năng suất trứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa hình chèn/xoá 24 bp ở vị trí -358 vùng 5’- gen prolactin có liên quan tới năng suất trứng của gia cầm thông qua việc làm giảm sản sinh hocmon prolactin. Mà hormone này, ở gà tác động điều khiển và duy trì chức năng đòi ấp ở con mái, cho nên  giảm thời gian ấp từ đó nâng cao thời gian đẻ trứng và từ đó nâng cao được năng suất trứng.

leftcenterrightdel
 

  Vị trí gen PRL trên nhiễm sắc thể số 2 ở gà

             (Nguồn: https://asia.ensembl.org/Gallus_gallus/Location/View?db=core;g=ENSGAL G00000012671;r=2:58571228-58577382)

Là một trong những nhóm nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này, nhóm nghiên cứu Giống và Công nghệ chăn nuôi, Khoa chăn nuôi, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc xác định và đánh giá mối tương quan của đa hình 24bp Insertion-Deletion với năng suất trứng của gà Ri

leftcenterrightdel
 

Kiểu gen 24-bp Insertion-Delete của gen Prolactin (M = thang ADN 100 bp)

Kiểu gen II có 1 băng vạch 154bp

Kiểu gen ID có 2 băng vạch 154bp và 130 bp

Kiểu gen DD có 1 băng vạch 130 bp

Cụ thể nhóm nghiên cứu đã đánh giá tần số gen/allen của đa hình 24-bp Insertion-Delete gen prolactin. Kết quả cho thấy, tần số kiểu gen II của đa hình hình này ở quần thể gà Ri xuất hiện với tần số thấp (0,07) kiểm định Chi-Square cho thấy không có sự sai khác so với quần thể mong đợi theo định luât Hardy – Weinberg.

Năng suất trứng của gà Ri từ tuần 21 đến tuần 42 cho thấy gà mang kiểu gen II cho năng suất trứng cao hơn so với kiểu gen DD, cụ thể như sau năng suất trứng trung bình trong 21 tuần đẻ (từ tuần 21 đến tuần 42) ở gà Ri mang kiểu gen II (59,19±0,703 quả), ID (52,30±0,623 quả), DD (48,07± 0,411 quả). Sự khác nhau về năng suất trứng giữa các kiểu gen có ý nghĩa thống kê (p<0,05)

Như vậy, với các cá thể mang kiểu II của đa hình 24-bp Insertion-Delete gen prolactin cùng phương pháp chọn tạo giống chính xác (precision breeding), có thể sử dụng kiểu gen này làm marker để chuẩn đoán nhanh và chọn lọc các cá thể gà Ri có khả năng cho trứng cao từ đó kết hợp với di truyền số lượng để có thể rút ngắn thời gian chọn giống đẩy nhanh tiến bộ di truyền về nâng cao năng suất trứng của một số giống gà bản địa hiện nay của Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Thịnh – Khoa Chăn nuôi

Ban Khoa học và Công nghệ