Thực trạng khám chữa bệnh của bệnh nhân ung thư và
nhu cầu sử dụng sản phẩm có chứa Fucoidan trong hỗ trợ điều trị ung thư
Cập nhật lúc 16:00, Thứ ba, 25/07/2023 (GMT+7)
Ung thư là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Theo báo cáo tại Hội thảo phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022, mỗi năm tại Việt Nam có 183.000 ca mắc mới, hiện có 354.000 người sống chung với ung thư. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các nội dung: Đặc điểm nhân khẩu học của những bệnh nhân ung thư, đánh giá điều kiện ở tại khu nhà trọ hiện tại và các chi phí bắt buộc của người bệnh, đánh giá nhu cầu và thực trạng sử dụng các sản phẩm có chứa Fucoidan (một sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư). Từ đó đề xuất một số khuyến nghị dựa trên kết quả số liệu.
Nghiên cứu lựa chọn địa điểm khảo sát là Bệnh viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là bệnh viện có số lượng bệnh nhân điều trị các bệnh liên quan đến ung bướu rất lớn, theo số liệu chính thức của bệnh viện K: Mỗi ngày có từ 900 đến 1200 lượt bệnh nhân đến khám bệnh [1]. Đối tượng chính của cuộc khảo sát là những bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều (104 bệnh nhân tham gia trả lời phỏng vấn).
|
|
Một số hình ảnh điều tra thực địa |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số những người tham gia phỏng vấn có xuất thân từ các tỉnh ngoài Hà Nội, do đó nhu cầu ở trọ là bắt buộc. Vì khoảng cách xa và thời gian chữa trị tại bệnh viện thường sẽ kéo dài (Số liệu khảo sát ghi nhận thời gian trung bình cho một đợt điều trị là 38 ngày) do đó nhu cầu ở trọ của bệnh nhân và người nhà của họ là một nhu cầu bắt buộc. Trong bối cảnh quá tải giường bệnh của bệnh viện K, những cư dân quanh địa bàn bệnh viện đã tận dụng sự quá tải này để kinh doanh bằng cách xây dựng các khu nhà trọ cho người bệnh và người nhà của họ. Tuy nhiên, vì là kinh doanh tự phát và có lẽ là thiếu sự kiểm soát của chính quyền địa phương nên hoạt động này đang tạo ra những bất cập cho người bệnh. Về nghề nghiệp của các bệnh nhân được phỏng vấn, có một tỉ lệ rất lớn người được hỏi là nông dân (56.7%); bên cạnh đó có 10.6% là lao động tự do, đây là hai nhóm nghề không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và nhìn chung là thu nhập không ổn định. Đặc biệt khi họ gặp các bệnh hiểm nghèo như ung thư thì thông thường họ sẽ phải dừng làm việc để điều trị, điều này cũng đúng trong trường hợp họ là người chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng có 9.6% người được hỏi nằm trong nhóm không hoạt động kinh tế hoặc nghỉ hưu không lương.
Tình trạng quá tải của bệnh viện K tạo ra một thị trường nhà trọ sôi động với đối tượng khách hàng chủ yếu là những người bệnh và người nhà của họ. Các khu nhà trọ do cư dân địa phương xây dựng dày đặc quanh bệnh viện K, và có lẽ vì là các hoạt động kinh doanh này là tự phát, thiếu sự kiểm soát của chính quyền địa phương và quan trọng hơn cả là các động cơ lợi nhuận đã tạo nên một “bức tranh” lộn xộn với rất nhiều các bất cập trong hoạt động kinh doanh này. Trong khi những chủ nhà trọ có được nguồn thu lớn thì những người đang phải chịu đựng các bất cập này là người bệnh và người thân của họ. Đầu tiên là diện tích phòng trọ, kết quả khảo sát cho thấy diện tích một phòng trọ trung bình là rất thấp (9.1m2). Với mô hình một bệnh nhân đi kèm một người chăm sóc thì điều này có nghĩa là diện tích trung bình trên đầu người chỉ khoảng hơn 4m2, với diện tích này là chỉ đủ cho kê 1 chiếc giường và có một chút để đi lại hoặc cho một chiếc bàn nhỏ để đồ hoặc để bếp ga mini để nấu ăn. Bên cạnh diện tích phòng chật hẹp, các tiện nghi trong các khu trọ này cũng là rất kém.
Chi phí khám chữa bệnh của những người được hỏi là rất lớn. Cụ thể, chi phí trung bình ghi nhận được là 45.1 triệu đồng/tháng. mặc dù rất nhiều người được hỏi phản hồi rằng họ có BHYT cũng như các loại chế độ miễn giảm viện phí khác, song cơ chế của tất cả các chế độ miễn giảm này là thanh toán chỉ sau khi hoàn thành quá trình điều trị, trước đó thì người bệnh vẫn phải đóng một số tiền rất lớn cho bệnh viện. Cơ chế thanh toán này làm cho các áp lực tài chính lên người bệnh và gia đình của họ là vô cùng lớn bất kể họ có được miễn giảm viện phí hay không. Mặc dù các cơ chế miễn giảm rất đa dạng song không phải tất cả các chi phí khám chữa bệnh đều có thể sử dụng miễn giảm này (VD: có những loại thuốc, vật tư y tế không nằm trong danh sách quy định được miễn giảm thì sẽ không được thanh toán). Trong sự so sánh đối chiếu với mức thu nhập của hộ gia đình thì các chi phí cho việc khám chữa bệnh của những người được hỏi là rất lớn. Các khoản chi phí này chỉ ra áp lực tài chính nặng nề lên người bệnh gia đình của họ, nghiêm trọng hơn là có thể đẩy họ vào cảnh túng quẫn.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy, đa số những người được hỏi trả lời rằng họ chưa từng hoặc không biết đến các sản phẩm Fucoidan (82/104 – chiếm 78.8%), chỉ có 20/104 (19.2%) người đã từng sử dụng Fucoidan, tất cả đều có nguồn gốc nước ngoài. Số liệu phân tích trên 20 bệnh nhân đã từng sử dụng các sản phẩm Fucoidan (câu hỏi được thiết kế để đánh giá chung cho tất cả các sản phẩm có Fuicoidan trên thị trường) cho thấy, đa số người được hỏi (15/20: 75%) phản hồi rằng các sản phẩm họ dùng cho thấy hiệu quả rõ rệt (VD: Họ cảm thấy ăn – ngủ ngon hơn, thấy khỏe mạnh hơn…). Kết quả này gợi ý rằng việc sử dụng các sản phẩm Fucoidan mang lại hiệu quả được các bệnh nhân cảm nhận một cách rất rõ ràng. Mặc dù cần phải có một dung lượng mẫu lớn hơn để khẳng định phát hiện này trên phạm vi tổng thể, song kết quả này cũng cho thấy các chiến lược marketing sản phẩm theo hướng “cho dùng thử” là có cơ sở vì người dùng sẽ tự nhận thức được hiệu quả của sản phẩm và do đó thúc đẩy hành vi mua hàng. Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm Fucoidan được chính các bệnh nhân cho là rất cao, cụ thể: 15/20 người đã từng hoặc đang sử dụng Fucoidan đánh giá rằng giá của các sản phẩm là quá cao so với kinh tế của họ, 5/7 người từng dùng và đã ngừng trả lời rằng lý do chính khiến họ không tiếp tục sử dụng là do không thể chi trả cho việc mua. 14/20 (73.7%%) trả lời sẵn sàng chuyển đổi sang dùng các sản phẩm Fucoidan của Việt Nam với điều kiện giá rẻ hơn và có nguồn gốc rõ ràng.
Nghiên cứu đã phân tích thực trạng của bệnh nhân ung thư cũng như đánh giá của họ đối với sản phẩm Fucoidan của Việt Nam. Tuy nhiên, do mẫu lựa chọn đối tượng khảo sát mới chỉ hướng đến nhóm đối tượng ở tầng thấp nên nếu muốn có được các thông tin toàn diện hơn để đánh giá về nhu cầu của bệnh nhân đối với sản phẩm Fucoidan, cần mở rộng phạm vi nghiên cứu đa dạng các đối tượng trong tương lai.
Nguyễn Thị Thu Hà – Khoa Khoa học xã hội
[1] https://benhvienk.vn/gioi-thieu-khoa-kham-benh-tan-trieu-nd30558.html