Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1) được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014 trên tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) tại tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc (Xu et al., 2016). Sau đó DIV1 được xác định là nguyên nhân gây chết hàng loạt tôm chân trắng ở một số tỉnh ven biển của Trung Quốc. Kết quả giám sát trong năm 2017-2018 đã phát hiện được DIV 1 ở 11 trong số 16 tỉnh của Trung Quốc. Năm 2019, bệnh do DIV1 xảy ra nghiêm trọng ở toàn bộ lưu vực Đồng bằng Châu Giang. Tháng 2 năm 2020 bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh ở Quảng Đông, thủ phủ nuôi tôm ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến 25% diện tích tôm nuôi trong vùng (NACA, 2020). Tháng 7 năm 2020, DIV1 đã phát hiện được ở càng tôm đỏ, tôm chân trắng và Tôm sú nuôi tại Đài Loan (OIE, 2020b).  Các loài tôm mần cảm với virus DIV1 bao gồm tôm nước lợ, nước mặn và tôm nước ngọt như tôm chân trắng (Penaeus vannamei), tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), tôm càng đỏ (tôm càng Úc) (Cherax quadricarinatus), tôm hùm nước ngọt hay tôm hùm đất (Procambarus clarkia), tôm càng sông (Macrobrachium nipponense) và tôm gai (Exopalaemon canrinicauda), tôm sú (Penaeus  monodon), tôm thẻ Nhật  (Panulirus japonicus) (Chen et al., 2019; OIE., 2020a; Qiu et all., 2023). 

Một số nước nuôi tôm phát triển hoặc nhập khẩu nhiều tôm quy định phải có kiểm dịch DIV1 âm tính ở tôm nhập khẩu (Hàn Quốc, Úc, New Zealand) (Biosecurity New Zealand, 2022) và một số bang ở Mỹ yêu cầu tôm vận chuyển nội địa phải có chứng nhận DIV1 âm tính (USAD, 2022). Mạng lưới Trung tâm nuôi trồng thủy sản châu Á Thái Bình Dương (NACA) và Tổ chức thú y thế giới (OIE- WOAH) đã xếp bệnh do DIV1 trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải báo cáo (NACA, 2019, WOAH, 2022,). Theo khuyến cáo của NACA, ở cấp khu vực và quốc gia cần tăng cường năng lực cho việc xây dựng quy trình chẩn đoán, xét nghiệm virus DIV1 và đây là công cụ hữu hiệu để giám sát, kiểm dịch tôm giống và phát hiện sớm dịch bệnh (NACA, 2020). Từ thông tin về tình hình dịch bệnh do virus DIV1 trên tôm từ Trung Quốc, OIE và NACA khuyến cáo các nước trong khu vực về nguy cơ xâm nhiễm của DIV1. Do vậy, Việt Nam cần phải phát triển được phương pháp xét nghiệm DIV1 sớm để thực hiện các biện pháp tầm soát, kiểm soát bệnh, đặc biệt ở tôm giống, tôm bố mẹ và sản phẩm nhập khẩu từ các nước có nguy cơ lây lan mầm bệnh vào Việt Nam, cũng như xét nghiệm, chứng nhận các lô tôm xuất khẩu tới các nước có yêu cầu sản phẩm tôm không nhiễm DIV1. Nhìn chung, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích đại thể của bệnh do DIV1 không điển hình và có nhiều đặc điểm giống với các bệnh phổ biến ở tôm, đặc biệt ở tôm chân trắng, vì vậy các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển nhằm phát hiện chính xác virus DIV1 như Nested PCR (Qiu et al., 2017), Recombinase polymerase amplification (RPA) (Chen et al., 2020), tuy nhiên phương pháp realtime PCR có nhiều ưu điểm như độ nhạy cao, đánh giá được mức độ nhiễm nặng nhẹ của mẫu.

Một trong những khó khăn hiện nay là việc tiếp cận mẫu dương tính gặp khó khăn vì chưa có báo cáo nào về bệnh DIV1 ở Việt Nam. Nếu đưa mẫu virus dương tính vào để nghiên cứu, xây dựng quy trình xét nghiệm ở việt nam cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh. Do vậy thiệt lập và tối ưu hoá quy trình xét nghiệm bằng realtime PCR sử dụng plasmid chứa đoạn gen đích của virus DIV1 là biện pháp tối ưu nhất hiện nay.

 
leftcenterrightdel
 
Hai phương pháp real-time PCR phát hiện DIV1 sử dụng plasmid chứa gen MCP và ATPase của DIV1 đã được xây dựng và tối ưu hoá thành công, có hiệu suất, độ nhạy phân tích, độ đặc hiệu phân tích cao. Kết quả của phản ứng ổn định qua các lần xét nghiệm lặp lại và tương đồng giữa các phòng thí nghiệm trong và ngoài nước.

DIV1-ATPase real-time PCR và DIV1-MCP real-time PCR là hai quy trình phát hiện gen đích khác nhau (ATPase và MCP), do đó có thể sử dụng kiểm tra chéo trong trường hợp mẫu có kết quả xét nghiệm nghi ngờ.

Chi tiết tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/02/tap-chi-so-2.8.pdf

PGS.TS. Trương Đình Hoài – Khoa Thuỷ sản

Ban Khoa học Công nghệ