Ngày 2/4/2017, Cục Chăn nuôi- Bộ NN và PTNT đã ban hành QĐ số 101/ QĐ- CN-GSN công nhận tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới: công thức lai vịt đực Bầu nuôi tại Sín Chéng với vịt cái SM3 (BSM3) cho các tác giả: Hoàng Anh Tuấn, Bùi Hữu Đoàn, Phạm Kim Đăng, Nguyễn Hoàng Thịnh - khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Lai kinh tế giữa vịt Bầu Sín Chéng (là vịt Bầu, nuôi ở khu vực xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) với vịt Supper M3 (SM3) dòng B để tạo ra vịt lai F1 (Bầu Sín Chéng × Supper M3). Con lai F1 khi trưởng thành có ngoại hình thể hiện rõ xu hướng sản xuất thịt: cấu trúc cơ thể đậm đà, nở nang. Vịt có màu lông đa dạng, nhưng chủ yếu là đen có đốm trắng, nâu có đốm trắng và màu cà cuống; một số ít vịt màu trắng có đốm đen. Vì có lông màu là chính, dễ nuôi, tăng trọng khá nhanh, thịt có hương vị đậm đà, thơm ngon, ít mỡ, rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nên rất được ưa chuộng (tương tự như gà lông màu trên thị trường). Vịt lai F1 (Bầu Sín Chéng × Supper M3) có khả năng thích nghi cao với điều kiện Việt Nam.

Nuôi đến 10 tuần tuổi, vịt đạt một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể:

Tỷ lệ nuôi sống đạt 96%;

Khối lượng cơ thể trung bình đạt 2762 g/con; ưu thế lai về tăng trọng của vịt lai F1 so với cả bố mẹ là 7,5%,  nếu so với vịt Bầu nuôi tại Sín Chéng thì vịt F1  đã cao hơn 69%.

Hiệu quả sử dụng thức ăn là 2,73 kg/kg tăng khối lượng. Đàn vịt lai F1 có chi phí sản xuất thấp hơn 19,33% so với trung bình bố mẹ. Đặc biệt, nếu so với vịt BSC (4,14 kg) thì hiệu quả sử dụng thức ăn đã giảm đi 1,4 kg, tức là đã giảm đi 33,7%.

Tỷ lệ thân thịt là 71,21% (vịt trống)  và 69,21% (vịt mái).

Các chỉ tiêu về độ pH thịt, tỷ lệ mất nước sau chế biến và bảo quản của thịt đều đạt chất lượng tốt. Nuôi 300 vịt broiler F1 (Bầu Sín Chéng × Supper M3) /lứa theo phương thức bán chăn thả đến 10 tuần tuổi, lãi 6,3 triệu đồng, tăng lên 27 – 35% so với vịt thuần.

Hiệu quả kinh tế, xã hội

Từ năm 2016, đã cung cấp hàng ngàn con vịt lai nói trên cho nông hộ thuộc các khu vực Lào Cai, Hà Nội, Bắc Giang... đều cho kết quả tốt: giảm trên 15% chi phí thức ăn và tăng lợi nhuận (lãi) trên 20% khi so sánh với nuôi vịt BSC.

Việc đưa công thức lai nói trên vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị vịt Bầu Sín Chéng, từ đó góp phần bảo tồn bền vững giống vịt này; góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông hộ tại Si Ma Cai - nơi cung cấp vịt Bầu Sín Chéng cho tổ hợp lai nói trên.

 Vịt F1 (BSC x SM3) 8 tuần tuổi