Cây đậu đỗ là nhóm cây trồng hàng năm có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, là nguồn thực phẩm cho con người và sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là nhóm cây trồng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống luân/xen canh, cải tạo đất và là đối tượng lý tưởng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản phẩm của cây đậu đỗ được sử dụng rất phổ biến trong dân gian và ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn khi phát hiện có nhiều vi chất có lợi, tác dụng tốt đến sức khỏe con người và động vật. Một số loại điển hình trong nhóm cây này gồm đậu tương, đậu xanh, lạc, đậu cowpea…
Ở nước ta, nhóm cây đậu đỗ nói trên được trồng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do sự lấn át về hiệu quả kinh tế của cây công nghiệp, cây ăn quả, sự cạnh tranh của các cây lương thực có giá trị khác trong sản xuất nên diện tích và sản lượng của các cây họ đậu ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Do vậy, nguyên liệu của những cây trồng này, đặc biệt là đậu tương bị thiếu hụt trầm trọng, hàng năm nước ta phải nhập khẩu nguyên liệu lên đến hàng tỷ đô la để đáp ứng nhu cầu nội tiêu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thiếu bộ giống tốt, thích ứng với các vùng sinh thái, một số loại đang bị xói mòn nguồn gen trầm trọng như đậu cowpea; hiệu quả kinh tế thấp do chi phí sản xuất cao và không thể cạnh tranh với nguồn nhập khẩu vốn có giá rất rẻ.
Bên cạnh đó, trước thực trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, phát triển đậu đỗ của nước ta còn nhiều thách thức và khó khăn: sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu đồng nhất; cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa mang tính hàng hóa; giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh tranh với một số sản phẩm nông nghiệp khác ở những vùng nhất định, do vậy việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa đồng bộ. Để phát triển cây đậu đỗ quy mô lớn, trước hết cần phải đầu tư nghiên cứu về chọn tạo giống mới, biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp (đặc biệt là cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản suất) nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; Cần phải quy hoạch vùng trồng cụ thể, chú trọng thâm canh và mở rộng diện tích những vùng có năng suất cao, diện tích lớn như ĐBSCL và Tây Nguyên, nâng cao năng suất và mở rộng diện tích ở ĐBSH, Đông Bắc và Tây Bắc; Phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cho các vùng trọng điểm để phát huy tối đa năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trước thực trạng và những vấn đề bức thiết nêu trên, nhóm nghiên cứu xuất sắc: “Nghiên cứu và Phát triển nguồn gen thực vật” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn làm trưởng nhóm đã nghiên cứu thu thập, bảo tồn, khai thác nguồn vật liệu và lai tạo, chọn lọc ra các giống đậu đỗ mới năng suất, chất lượng cao để phát triển sản xuất.
Mục tiêu chọn giống:
ü Năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp cho từng vùng, vụ khác nhau;
ü Khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu với điều kiện bất thuận của môi trường;
ü Chọn tạo giống đậu đỗ có quả chín tập trung (đậu xanh, đậu cowpea) và phù hợp với sản xuất bằng cơ giới;
ü Nâng cao hàm lượng protein, hàm lượng dầu và vi chất (isoflavone; anthocyanin; omega… ) sử dụng để chế biến thực phẩm và làm thực phẩm chức năng.
ü Chọn tạo giống đậu đỗ để sử dụng làm rau ăn tươi (đậu tương rau; giá đỗ…).
ü Chọn tạo giống đậu đỗ có sinh khối lớn làm phân xanh và cải tạo đất.
Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp lai hữu tính truyền thống, phương pháp đột biến phóng xạ, kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, chỉ thị phân tử trong việc sàng lọc nguồn vật liệu và chọn lọc các cá thể và phát triển các dòng ưu tú.
Hình 1. Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đề tài khóa luận tốt nghiệp vụ Xuân năm 2024
SV: Đậu Nhật Anh; Nguyễn Văn Doanh; Nguyễn Thiện Thi; Nguyễn Thị Tuyết; Trịnh Thị Thúy Hằng
Thành tựu đạt được: Với những mục tiêu nói trên nhóm nghiên cứu đã đạt được một số thành tựu trong giai đoạn 2020 - 2023 như sau:
- Thiết lập được tập đoàn công tác với hàng trăm nguồn gen đậu tương, đậu xanh, lạc, đậu cowpea... Các tập đoàn nguồn gen này đã được đánh giá, sàng lọc và phân lập theo các tính trạng mục tiêu để phục vụ cho công tác chọn tạo giống.
- Năm 2020 - 2022: Chọn tạo thành công giống đậu xanh TX05; MT68; Vita1102 có năng suất cao và quả chín tập trung. Giống đã được Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ và cho phép sản xuất kinh doanh.
Hình 2. Các giống đậu xanh mới chọn tạo
Giống đậu xanh TX05 đã và đang được trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội, Gia Lai… phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giống MT68 đã trồng thử nghiệm trên Hà Giang để mở rộng sản suất nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao.
Hình 3. Giống đậu xanh TX05 được trồng ở một số địa phương
- Năm 2023 đã chọn tạo thành công giống đậu tương DTG23 và giống đậu xanh Bích Diệp (giống có khối lượng 1000 hạt nhỏ (18,0 - 21,5g, sử dụng làm giá đỗ và làm trà). Hai giống đã được Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành và sản xuất kinh doanh.
Hình 4. Hạt giống đậu tương DTG23 và giống đậu xanh Bích Diệp
- Đã lai tạo và chọn lọc được nhiều dòng đậu tương hạt vàng có hàm lượng protein cao (40 - 44%), đậu tương đen có hàm lượng anthocyanin cao và chọn lọc được dòng đậu tương rau tiềm năng.
Hình 5. Các dòng đậu tương triển vọng mới chọn tạo
- Đã chọn tạo được nhiều dòng đậu xanh triển vọng có TGST ngắn, quả chín tập trung phù hợp với làm giá đỗ, chế biến thực phẩm và làm trà…
- Đánh giá và chọn lọc được một số giống đậu đen xanh lòng, một số nguồn gen lạc đỏ, đen, lạc hoa… có tiềm năng phát triển tốt.
Hình 6. Khu thí nghiệm Nghiên cứu chọn tạo giống cây Đậu đỗ
Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục thực hiện theo các mục tiêu và định hướng đã đề ra, tập trung sử dụng đột biến chiếu xạ và chỉ thị phân tử, chọn lọc MAS để tạo ra các giống đậu đỗ tốt phục vụ cho sản xuất.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn và cộng sự -
Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng,
khoa Nông học, Học viện NNVN