Đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp Nhà nước: "Nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2015", mã số KHCN-TB.07X/13-18 do GS.TS. Đỗ Kim Chung, khoa Kinh tế và PTNT làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

 


Với mục tiêu: Đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001-2015 trên cơ sở phân tích những kết quả và tác động đạt được, những yếu tố tích cực và bất cập từ đó đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo ở vùng Tây Bắc.

Sau 5 năm thực hiện, đề tài đã góp phần hệ thống hóa được kết quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo đã và đang thực hiện ở Tây Bắc trên các khía cạnh kinh tế - xã hội trong nội vùng và liên vùng, cải thiện thu nhập tạo việc làm và sinh kế cho người nghèo vùng Tây Bắc. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra quá trình tổ chức,  triển khai thực hiện các chương trình chính sách ở các địa phương (cụ thể hóa chính sách, lập kế hoạch, bố trí nguồn lực, phân công và phân cấp, truyền thông và giám sát, đánh giá), nghiên cứu đã tổng kết được các kết quả thực hiện các chính sách và giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chương trình 135; Chương trình 30a và các chương trình giảm nghèo khác ở giai đoạn 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015 cho cả vùng Tây Bắc và ba tiểu vùng của Tây Bắc, kết quả này được so sánh với cả nước.

Nghiên cứu chỉ ra rằng: theo lĩnh vực, thời gian qua, nhất là 5 năm gần đây, các chương trình xóa đói, giảm nghèo có tác động rõ rệt nhất đến phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, nông nghiệp và y tế, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại được đánh giá là tác động chưa nhiều

 Đối chiếu với mục tiêu của các chương trình xóa đói giảm nghèo theo các thời kỳ có thể đánh giá tổng quát: các tỉnh Tây Bắc đã đạt được mục tiêu đề ra về phát triển hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, nhà văn hóa. Có bước chuyển biến rõ rệt về lao động và việc làm, đạt được mục tiêu thu nhập và đời sống, giáo dục, trợ giúp pháp lý. Dưới các tác động đó, chương trình xóa đói, giảm nghèo đã giúp các tỉnh Tây Bắc đạt thành tựu tốt đẹp trong giảm nghèo: tốc độ giảm hộ nghèo/năm ở giai đoạn 2001-2005 là 4,1%, vượt mục tiêu đề ra là 1,5-2,0%, giảm 3,6% giai đoạn 2006-2010, cao hơn so với mức bình quân của cả nước 2,6%  và tiếp tục đạt 3,6% ở  giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu đề ra là 2,0%, có 17,7% số huyện có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, mục tiêu đề ra là 10%. Các tỉnh phía Đông Bắc và các huyện Tây Thanh Nghệ có hiệu quả cao hơn mức bình quân của vùng.

Ngoài ra, nghiên cứu đã đề xuất được các quan điểm, định hướng và đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư của các chương trình xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc trong thời gian tới là: Giảm nghèo đa chiều gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phải đảm bảo xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững; Xóa đói và giảm nghèo phải lấy con người làm trung tâm, nâng cao ý thức thoát nghèo, loại bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ, giúp dân chủ động thoát nghèo; Phát huy sự tham gia của địa phương và cộng đồng, đảm bảo linh hoạt và hiệu quả trong triển khai.

Với định hướng ưu tiên cho lõi nghèo, vùng nghèo, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, cho vay có điều kiện, tiếp tục đầu tư cho hạ tầng và phát triển con người, phát triển các dịch vụ nông thôn, phát triển doanh nghiệp và trang trại làm động lực cho giảm nghèo. Thực hiện đổi mới cách tiếp cận, thực hiện giảm thiểu bao cấp, cho không, tiến tới tập trung vào hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện, tách hỗ trợ giảm nghèo ra khỏi cứu trợ.

Nghiên cứu cũng đề xuất cấu phần của chương trình giảm nghèo bền vững ở Tây Bắc bao gồm phát triển hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, truyền thông và thông tin cho giảm nghèo, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá.

Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia xếp loại "Xuất sắc" và đề nghị nhóm nghiên cứu, cơ quan chủ trì chuyển giao kết quả nghiên cứu và các kiến nghị, đề xuất giải pháp để xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng Tây Bắc đến các cơ quan liên quan.