Nắm bắt được nhu cầu sản xuất và lợi ích khi áp dụng cơ giới đồng bộ trong các khâu canh tác, thu hoạch sắn, để có đủ nguyên liệu sắn theo đúng kế hoạch cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động thường xuyên ở các vùng trồng sắn trong cả nước. TS. Hà Đức Thái – nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn Máy nông nghiệp, cùng cộng sự, khoa Cơ - Điện đã nghiên cứu thành công đề tài “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo hệ thống máy canh tác và thu hoạch cây sắn”, mã số KC.03.DA15/11-15, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.03/11-15. Dưới đây là một số đặc tính về kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế mà hệ thống máy canh tác và thu hoạch sắn mang lại:

Máy liên hợp xới, phay: Là máy liên hợp làm đất gồm hai phần: Phần phay và phần xới.

Phần phay: Có các lưỡi phay bắt trên trục, khi làm việc trục phay chuyển động quay được nhận truyền động từ trục trích công suất của máy kéo. Phần phay có nhiệm vụ phay nhỏ, trộn đều tàn dư thực vật ở tầng đất mặt có độ sâu 15cm.

Phần xới: Gồm các lưỡi xới chuyển động tịnh tiến đi sau trục phay có nhiệm vụ đào sâu tầng đất nền nghèo dinh dưỡng thành tảng, nằm tại chỗ, tạo ra độ hổng không khí lớn trong đất có tác dụng dự trữ không khí, dự trữ nước mưa làm tăng khả năng điều ẩm, điều nhiệt trong đất.


Máy xới phay đang làm việc tại Sơn Lai, Nho Quan, Ninh Bình

Máy đã được khảo nghiệm và cho kết quả như sau: Vận tốc làm việc 2,52 km/h; Bề rộng làm việc 163,1cm; Năng suất làm việc thuần túy 0,41 ha/h; Độ phay sâu 18,5cm; Độ xới sâu 30,7cm; Độ vùi lấp cỏ dại và tàn dư thực vật 97,9%.

Máy làm việc có lưỡi phay quay chủ động (cưỡng bức) nhờ trục trích công suất từ máy kéo, còn lưỡi xới chuyển động bị động. Như vậy, máy liên hợp xới, phay là máy thực hiện chủ động, bị động kết hợp, với sự kết hợp trên máy đã làm giảm sự trượt của bánh xe máy kéo, giảm phá vỡ cấu tượng đất. Đó là máy làm đất tối thiểu, là xu thế của các nước tiên tiến áp dụng vào khâu làm đất hiện nay.

 Máy có ưu điểm là một lần máy di chuyển trên đồng làm đất đủ nhỏ để trồng sắn; Máy có kết cấu chắc chắn, làm việc ổn định, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật làm đất trồng sắn. Khi áp dụng máy cho phép giảm 85% công lao động so với làm đất bằng trâu bò, chi phí sản xuất giảm 37%; Thời gian làm đất nhanh, do vậy, sẽ làm đất được ở thời điểm độ ẩm đất thích hợp nhất và kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Máy liên hợp cắt trồng hom sắn: Là máy được thiết kế có nhiệm vụ thực hiện 4 công việc đồng thời, đó là: Vun tạo luống sắn; Cắt cây sắn giống thành đoạn hom đều nhau; Trồng hom xuống đất có thể đặt nằm hay đặt nghiêng, vùi đất nông, sâu tùy theo yêu cầu kỹ thuật trồng sắn từng địa phương và bón lót phân NPK vào đất sau khi trồng. Nếu áp dụng máy liên hợp cắt, trồng sắn với một lần di chuyển máy kéo sẽ thực hiện được 4 việc đồng thời, cho phép giảm số lần vết bánh xe máy kéo di chuyển trên ruộng, ít phá vỡ cấu tượng đất và không có vết chân người đi lại làm dí đất trên mặt ruộng.

Máy trồng hom sắn đang làm việc tai Sơn Lai, Nho Quan, Ninh Bình.

Máy đã được khảo nghiệm và mang lại các kết quả: Vận tốc làm việc 3,6 km/h; Năng suất làm việc thuần túy 0,79 ha/h; Khoảng cách hàng 110cm; Khoảng cách hom 70cm; Góc nghiêng của hom 42,6 độ. Máy làm được 4 việc trong một lần di chuyển: Tạo luống, cắt hom, trồng và bón phân. Ngoài ra, máy trồng điều chỉnh được góc nghiêng của hom, độ sâu hom trồng, khoảng cách hàng, khoảng cách hom trên hàng theo yêu cầu nông học. Máy có kết cấu chắc chắn, làm việc ổn định, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trồng hom sắn trong sản xuất.

Khi áp dụng máy giảm 80% công lao động so với trồng bằng lao động thủ công, chi phí sản xuất giảm 35%; thời gian trồng nhanh, do vậy, sẽ trồng được ở thời điểm độ ẩm đất thích hợp nhất và kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Máy liên hợp xới, bón phân: Sau khi trồng hom sắn từ 45 đến 60 ngày mặt đất kéo váng, cỏ dại mọc, cây sắn có nhu cầu bổ sung thức ăn, do vậy, máy xới, bón phân có nhiệm vụ xới tơi đất, diệt cỏ, bón phân NPK bổ sung vào gốc đất, vun đất tạo luống để củ phát triển, cây thêm cứng vững, tạo rãnh thoát nước chống úng. Máy xới bón phân gồm 3 cụm máy làm việc chính là: Cụm lưỡi xới tơi đất đi trước có tác dụng làm tơi đất, thoát khí độc trong đất ra ngoài, đưa dưỡng khí vào trong đất, diệt cỏ dại; Cụm bón phân có nhiệm vụ bón phân NPK vào trong đất để bổ sung thức ăn cho cây sắn và cụm vun luống đi sau vun thêm đất vào luống và tạo rãnh thoát nước chống úng.

Máy xới, bón phân đang làm việc

Kết quả khảo nghiệm máy như sau: Vận tốc làm việc 3,7 km/h; Năng suất làm việc thuần túy 0,85 ha/h; Khối lượng phân rải trên 1m chiều dài 100,5 g/m; Độ sâu xới 13,5cm. Máy điều chỉnh được độ xới sâu, lượng phân bón, lượng đất vun vào luống theo yêu cầu nông học; Đồng thời, máy xới bón có kết cấu chắc chắn, làm việc ổn định và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cây sắn. Khi áp dụng máy giảm 86% công lao động so với xới, bón phân bằng lao động thủ công, chi phí sản xuất giảm 33%; thời gian xới bón phân nhanh do vậy máy làm việc được ở thời điểm độ ẩm đất thích hợp nhất và kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Máy liên hợp đào, nhổ củ sắn

Máy được thiết kết gồm hai bộ phận làm việc chính là bộ phận đào và bộ phận nhổ củ. Bộ phận đào có nhiệm vụ đào ngầm dưới tầng củ, làm tơi đất, phá vỡ mối liên kết đất củ tạo điều kiện cho bộ phận kẹp gốc, nhổ củ được dễ dàng. Bộ phận nhổ củ có nhiệm vụ kẹp vào gốc cây sắn nhổ củ và rải củ trên mặt ruộng.


Máy đào nhổ củ sắn làm việc tại Nho Quan, Ninh Bình

Các quả khảo nghiệm như sau: Vận tốc làm việc 3,2 km/h; Năng suất làm việc thuần túy 0,35 ha/h; Tỷ lệ hao tổn, hư hỏng củ thấp hơn so với nhổ củ bằng lao động thủ công.

Bộ phận đào làm tơi đất, do vậy, bộ phận nhổ củ ít bị gãy sót so với nhổ bằng tay. Sau khi đào nhổ củ bằng máy đất được tơi xốp, làm giảm công làm đất tiếp sau. Máy có kết cấu chắc chắn, làm việc ổn định, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thu hoạch sắn, có khả năng ứng dụng tốt vào sản xuất.

Khi áp dụng máy đào nhổ củ sắn giảm 87% công lao động so với nhổ củ bằng lao động thủ công, chi phí sản xuất giảm 36%; thời gian đào nhổ củ nhanh do vậy củ ít bị chạy nhựa cung cấp kịp thời cho nhà máy chế biến tinh bột, tỷ lệ tinh bột và chất lượng tinh bột, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các máy giới thiệu trên được dùng chung nguồn động lực là máy kéo 4 bánh, có công suất từ 80 đến 100 sức ngựa. Ứng dụng hệ thống máy đồng bộ cho phép khai thác thời gian sử dụng máy kéo cao hơn, công nhân làm việc nhiều tháng trong năm, nên thu nhập cao và trình độ tay nghề chuyên nghiệp hơn.

Hệ thống máy nêu trên, đều được nhóm nghiên cứu thiết kế và chế tạo trong nước, do vậy phù hợp với đồng đất Việt Nam, thuận tiện cho việc bảo hành, bảo trì và thay thế các phụ tùng.

Ứng dụng các máy trên vào các khâu canh tác và thu hoạch sắn đều làm giảm công lao động trên 80%, đồng thời giảm chi phí sản xuất trên 30%, thời gian làm việc ngắn, chất lượng làm việc lại tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là cơ hội để người dân tăng thu nhập, giảm cường độ lao động, phát triển văn hóa, kỹ thuật.

Thành công của đề tài đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra, lựa chọn, thiết kế và chế tạo thành công hệ thống máy phục vụ cơ giới hóa canh tác và thu hoạch sắn; cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hợp lý nên kết quả của đề tài có độ tin cậy; các chỉ tiêu về chất lượng, khoa học của các máy móc đạt yêu cầu.

Thu Hằng – Ban Biên tập

Nguồn: BCN chương trình KC.03/11-15