\r\n Với mục tiêu tạo ra sản phẩm bột chè hòa tan từ lá chè tươi có chất lượng cao, đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất bột chè xanh uống liền”, một trong những đề tài tiềm năng được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư thực hiện do TS. Nguyễn Thanh Hải, Bộ môn Thiết bị Bảo quản và chế biến nông sản, khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm, cùng cộng sự được triển khai trong năm 2012 đã thành công và đáp ứng được yêu cầu thị trường.
\r\n
\r\n Việt Nam đứng thứ 4 về diện tích trồng chè với khoảng hơn 6 triệu lao động sống dựa vào ngành công - nông nghiệp chế biến chè. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Đặc biệt tại Việt Nam, việc nghiên cứu sản xuất bột chè hòa tan từ lá chè tươi còn rất hạn chế, nên công nghệ này sẽ tạo ra một sản phẩm mới mang thương hiệu Việt, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến trên thị trường, tránh việc phải nhập bột chè gây thất thoát ngoại tệ trong khi chè Việt Nam đang dư thừa, khó tiêu thụ.
\r\n
\r\n Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất bột chè xanh uống liền” được triển khai theo 3 hướng gồm: nghiên cứu phát triển bột chè xanh hòa tan pha với nước sôi làm đồ uống trực tiếp; Làm nguyên liệu phụ gia cho nhiều sản phẩm, mỹ phẩm khác; Nghiên cứu tạo ra sản phẩm giàu polyphenol dùng trong bảo quản nông sản thực phẩm. Ngoài ra, việc tận thu lá chè già hoặc kém chất lượng để sản xuất sản phẩm bột chè hòa tan hoặc dịch chè với giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu nguồn nguyên liệu trong nước và xuất khẩu, đồng thời phụ phẩm sau chế biến có thể chế biến thành phân bón cho cây chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.
\r\n
\r\n Kết quả đề tài đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất bột chè hòa tan từ lá chè già và búp chè non trong phòng thí nghiệm. Bột chè sản xuất ra có chất lượng tương đương với sản phẩm của một số nước trên thế giới, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàm lượng polyphenol tổng số > 40%, catechin tổng số > 30%, cafein > 6%; Chỉ tiêu cảm quan (màu sắc: bột chè có màu nâu - xanh, vàng - xanh hoặc vàng - nâu; hương vị: giữ được hương vị chè); Nước pha đạt yêu cầu cảm quan (màu sắc, độ trong, mùi vị) gần giống nước chè tươi; Nước pha đảm bảo an toàn thực phẩm có các chỉ tiêu vi sinh vật phù hợp theo TCVN 7041:2002 về đồ uống pha chế sẵn không cồn.
\r\n
\r\n Theo TS. Hải, việc nghiên cứu thành công công nghệ chế biến bột chè hòa tan từ lá chè tươi trong phòng thí nghiệm là cơ sở để Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ chế biến chè bột hòa tan quy mô công nghiệp và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở chế biến chè trong nước. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng khắc phục được phần nào tình trạng các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ của họ để chế biến từ nguyên liệu chè Việt Nam thành các sản phẩm có giá trị, bán lại chính cho người dân Việt Nam. Ngoài ra, do việc sản xuất dịch chè tươi không đòi hỏi chè có chất lượng cao nên với công nghệ này sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thụ chè kém chất lượng của nhiều vùng nguyên liệu chè nước ta hiện nay.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Tác giả của sản phẩm bột chè hòa tan, TS. Nguyễn Thanh Hải bên đồi chè
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Sản phẩm bột chè hòa tan
\r\n