Ngày nay, với sự gia tăng nhanh chóng của các công bố khoa học trên toàn thế giới, số lượng các Tạp chí ngụy tạo (Predatory journals) cũng gia tăng một cách chóng mặt và trở thành một vấn nạn nghiêm trọng đối với cộng đồng học thuật.

Cách thức hoạt động của các tạp chí này rất tinh vi, họ cũng có đăng ký chỉ số, có website, đặc biệt, thường lấy tên và hình ảnh gần giống với các tạp chí nổi tiếng khác và những tạp chí này rất hay gửi thư mời đăng bài đến các nhà nghiên cứu.

Các Tạp chí này gây ra sự nhầm lẫn tai hại đối với những nhà khoa học chưa có nhiều kinh nghiệm đăng bài báo quốc tế. Các công bố khoa học khi xuất bản trên những tạp chí này sẽ không được cộng đồng khoa học chấp nhận và việc trích dẫn từ những bài báo đăng trên các tạp chí này cũng làm cho kết quả nghiên cứu bị đánh giá thấp, có thể bị từ chối đăng bài tại các tạp chí uy tín khác. Vì vậy, việc hiểu rõ về Tạp chí ngụy tạo và cách phân biệt chúng là rất cần thiết đối với các nhà khoa học khi công bố quốc tế.

Định nghĩa

Tạp chí khoa học ngụy tạo (Predatory journals) là các tạp chí khoa học xuất bản các công bố nhưng không thực hiện quy trình phản biện độc lập, hoặc thực hiện vô cùng qua loa, và đôi khi thu lệ phí xuất bản rất cao.

Tạp chí khoa học ngụy tạo – Định nghĩa và Danh sách
 


Một số đặc điểm chung của các tạp chí khoa học ngụy tạo:

Các tạp chí và nhà xuất bản có một trong những hành vi dưới đây có khả năng là tạp chí/nhà xuất bản ngụy tạo:
- Thu phí xuất bản rất cao trong khi không có phản biện độc lập và giám sát chặt chẽ của ban biên tập;
- Chỉ thông báo với tác giả về phí xử lý bài sau khi bài đã được chấp nhận;
- Tích cực mời chào gửi bài hoặc tham gia vào hội đồng biên tập;

- Thời gian chấp nhận đăng bài rất nhanh, có khi chỉ trong vòng 3 ngày đến 1 tuần (Trong khi thông thường một bài báo khoa học cần tối thiểu sáu tháng để bình duyệt và xuất bản; Thời gian có thể kéo dài gấp đôi hoặc hơn nữa ở những tạp chí “khó tính”), và chấp nhận cả những bài có chất lượng thấp và nội dung phi lý;

- Đăng bài mà không hề có sự sửa chữa, biên tập nào, kể cả lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.
- Đưa các nhà khoa học vào hội đồng biên tập khi chưa được phép, và không cho họ rời hội đồng biên tập;
- Đưa các nhà khoa học giả mạo vào hội đồng biên tập hoặc đưa tên họ vào danh sách tác giả bài báo;

- Gian lận về sử dụng ISSN hoặc sử dụng ISSN không đúng cách;
- Dùng tên hoặc thiết kế website gần giống với các tạp chí có uy tín;
- Thông tin sai lệch về hoạt động xuất bản, chẳng hạn như giả mạo thông tin về trụ sở; có những tạp chí chỉ hoạt động online, không có địa chỉ bưu điện;
- Hệ số ảnh hưởng (impact factor) giả, hoặc không có.

Danh sách

Danh sách các Tạp chí khoa học ngụy tạo có thể được tham khảo tại Website của Stop Predatory Journals: https://predatoryjournals.com/journals/.