Tác động của đại dịch Covid -19 đến sinh kế của các phụ nữ nghèo trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Cập nhật lúc 12:48, Thứ tư, 29/12/2021 (GMT+7)
Chiều ngày 18/12/2021, thông qua nền tảng MS Teams, Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Seminar trực tuyến với chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đến sinh kế của các phụ nữ nghèo trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương”. Đây là kết quả nghiên cứu do nhóm giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT thực hiện trong tháng 05 – 06/2021. Hoạt động nghiên cứu này thuộc dự án “Trao quyền cho phụ nữ nghèo yếu thế vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương”, thực hiện bởi tổ chức Đông Tây hội ngộ với kinh phí hỗ trợ của Đại sứ quán New Zealand. Nghiên cứu tập trung đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 đến sinh kế của phụ nữ nghèo trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và xác định nhu cầu của họ để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phục hồi sinh kế. TS. Nguyễn Hữu Nhuần, nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường trình bày đã chia sẻ kết quả nghiên cứu.
Đại diện Ban chủ nhiệm, Khoa Kinh tế và PTNT, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT điều hành buổi Seminar với sự tham gia của đông đảo các giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa và Học viện. Mở đầu buổi Seminar, chủ toạ nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. TS. Nguyễn Hữu Nhuần giới thiệu chung về dự án và các hoạt động triển khai từ chọn mẫu đến khảo sát trực tuyến và kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các phụ nữ nghèo thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
|
|
Bài trình bày kết quả nghiên cứu trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams |
|
|
Một số kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid đến sinh kế phụ nữ nghèo thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương |
|
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, điều hành thảo luận trong Seminar |
Diễn giả đã giới thiệu tổng quan tình hình chung về kinh tế xã hội của các xã trong dự án tại thị xã Kinh Môn, trên cơ sở đó nêu phương pháp nghiên cứu và lựa chọn điểm, chọn mẫu nghiên cứu. Kết quả phỏng vấn bán cấu trúc và phỏng vấn sâu với 80 hộ nghèo của địa phương và lãnh đạo phụ nữ các xã đã chỉ thấy: i) Covid-19 không chỉ tác động đến sinh kế mà tác động đến đời sống tinh thần của phụ nữ nghèo; ii) khi tiến hành các nghiên cứu xã hội cần tiến hành các phương pháp định tính phù hợp và chọn mẫu linh hoạt; iii) hỗ trợ cho các hộ cần thiết nhưng cần ưu tiên nhu cầu cấp bách bao gồm tiền mặt và các đầu vào thiết yếu cho sản xuất, giống cây trồng có khả năng sinh lợi nhanh như phân bón, giống cây mủa và gà giống; iv) xem xét hình thức hỗ trợ phù hợp đối với các hộ có nguồn lực hạn chế về lao động và đất sản xuất; cần cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ kết quả của các gói hỗ trợ phát triển để đảm bảo tính bền vững của dự án; vii) chiến lược hỗ trợ phụ nữ nghèo ứng phó với dịch bệnh không chỉ tập trung vào cải thiện điều kiện kinh tế mà còn nâng cao nhận thức và tiếp cận thông tin và tương trợ cộng đồng.
Sau phần trình bày, các thành viên tham gia buổi Seminar đã thảo luận sôi nổi đưa ra câu hỏi với các ý kiến chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga, TS. Quyền Đình Hà, TS. Nguyễn Thị Minh Thu và các thầy cô tham gia Seminar. Các ý kiến thảo luận sâu về kinh nghiệm trong thiết kế nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu linh hoạt vào thực hiện các nghiên cứu trực tuyến. Kết quả thảo luận cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức khi thực hiện các nghiên cứu trong bối cảnh Covid-19. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền tổng kết Seminar, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả và nhấn mạnh Seminar là một hoạt động khoa học thường xuyên nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa Kinh tế và PTNT thôn hướng tới nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số và biến đổi khí hậu.
Nguyễn Thị Thu Huyền, Nhóm NCM Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường