Khi kinh tế ngày càng phát triển, nhiều người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc phân biệt chính xác loại thịt trong thực phẩm là mối quan tâm của toàn xã hội nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Ayaz & cs. (2006), khoảng 22% mẫu thịt, salami, xúc xích và thịt viên ở Thổ Nhĩ Kỳ chứa loại thịt không được ghi trên nhãn; năm 2013, châu Âu vướng vào vụ bê bối về sự hiện diện của thịt ngựa không được khai báo trong thực phẩm có chứa thịt bò (Di Giuseppe & cs., 2015). Tại Việt Nam, Trần Minh Tấn & Nguyễn Ngọc Tuân (2019) phát hiện được 50% (6/12) mẫu thịt bò tươi không phải thịt bò mà là thịt lợn và thịt trâu, 66,67% (8/12) mẫu xúc xích bò chứa thịt trâu trong sản phẩm, tất cả 12 mẫu bò viên được kiểm tra đều phát hiện có chứa DNA bò, nhưng 66,67% mẫu lẫn thịt trâu và 16,67% mẫu lẫn thịt heo. Sản phẩm thịt bị tạp nhiễm dù vô tình hay cố ý đều là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.

Được sự tài trợ kinh phí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2022, nhóm nghiên cứu tại Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài “Sử dụng phương pháp PCR đánh giá chất lượng thịt của một số loài vật nuôi”, mã số T2022-02-07. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp PCR để xây dựng và phát triển quy trình nhận diện chính xác ba loại thịt (bò, lợn, và gà) ở dạng sống và xử lý nhiệt. Bộ mồi được thiết kế mồi xuôi dùng chung cho ba loài và mồi ngược chuyên biệt cho từng loài. Kết quả cho thấy DNA đã được nhân đoạn thành công với các băng có kích thước 274, 398 và 227 bp (tương ứng đặc trưng cho loài bò, lợn, gà), đồng thời nghiên cứu này có thể nhận diện được đoạn DNA đặc trưng của từng loài ở mẫu riêng lẻ và mẫu trộn hai và ba loại thịt đại diện cho hai và ba loài khác nhau có thể phát hiện ở nồng độ DNA là 0,16 ng/µl. Kết quả nghiên cứu góp phần giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường phát hiện chính xác nguồn gốc sản phẩm, làm tiền đề để có thể nhận diện sự lẫn tạp thịt qua chế biến cho hướng nghiên cứu sau này.

Một số hình ảnh của kết quả nghiên cứu:

leftcenterrightdel
 

Hình 1: Hình ảnh gel của sản phẩm thịt thông qua khuếch đại PCR bằng cách sử dụng mồi đặc trưng cho từng loài bò, lợn và gà với các nồng độ pha loãng khác nhau

A: Thịt sống, B: Thịt luộc, M: thang DNA 100 bp

leftcenterrightdel
 

Hình 2: Hình ảnh gel của sản phẩm thịt thông qua khuếch đại PCR bằng cách sử dụng 2 hoặc 3 mồi.

M: thang DNA 100 bp; giếng 1: mẫu trộn giữa lợn – bò, giếng 2: mẫu trộn giữa bò – gà, giếng 3: mẫu trộn giữa lợn – gà, giếng 4: mẫu trộn giữa bò – lợn – gà

                                                            ThS. Nguyễn Thương Thương – Khoa Chăn nuôi

Ban Khoa học và Công nghệ