Tính cấp thiết

Định hướng sử dụng thảo dược làm chất phụ gia để tăng cường màu sắc lòng đỏ trứng còn chưa phổ biến trong thực tiễn chăn nuôi ở Việt Nam. Do vậy, nhóm nghiên cứu muốn tập trung khai thác hướng nghiên cứu này. Bên cạnh đó, ngoài khía cạnh cảm quan, thì việc bổ sung dược liệu vào chế độ ăn của gà cũng còn được kì vọng là sẽ giúp tăng cường chất lượng sản phẩm động vật, bao gồm cả trứng do thực vật thường chứa nhiều các yếu tố có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, nhóm chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục đích tạo ra được các sản phẩm phụ gia có nguồn gốc tự nhiên từ dược liệu kỳ tử. Đây là loại thảo dược không chỉ có các sắc tố phù hợp để tăng cường màu sắc lòng đỏ trứng, mà còn có hoạt tính chống oxi hóa cao có lợi cho sức khỏe.

Mục tiêu:

Thử nghiệm sử dụng kỳ tử làm phụ gia trộn vào thức ăn chăn nuôi gà đẻ để làm tăng độ đậm màu lòng đỏ trứng gà.

Phương pháp nghiên cứu:

Do điều kiện thí nghiệm có hạn nên chúng tôi chỉ thử nghiệm với một liều là 5g chế phẩm bột kỳ tử bổ sung/1 kg thức ăn. Trong mỗi 5 gam bổ sung có 0,5 g cao và 9,5 g tá dược tinh bột. Sở dĩ chúng tôi chọn tinh bột vì đây là loại tá dược độn thông dụng, giúp gia tăng khối lượng chế phẩm cho vào mỗi kg thức ăn nên thuận lợi cho cả quá trình cân nguyên liệu và quá trình trộn đều. Bên cạnh đó, tinh bột cũng có đặc điểm là hút ẩm tốt nên giúp giảm bớt tính dính của các cao thu sau chiết xuất, để dược chất này phân tán đồng đều vào thức ăn. Đồng thời, tinh bột cũng là tá dược có mùi vị phù hợp với động vật, kích thích tính thèm ăn, giảm bớt đi khả năng nhận ra mùi cao thảo dược khác lạ và phản xạ chọn lọc thức ăn của gà.

Các gà đang thu trứng tại trang trại gà Long Nga (Bắc Giang) được chia làm 2 lô, 1 lô đối chứng và 1 lô thử nghiệm, mỗi lô 50 con. Chất lượng trứng của các gà này trước thử nghiệm được khảo sát 3 lần và cho kết quả tương đồng nhau về các chỉ tiêu khối lượng cũng như màu sắc lòng đỏ trứng. Khi bắt đầu thí nghiệm việc bổ sung thảo dược, trứng được thu 2 lần trong 1 tuần (thứ 2 và thứ 5) từ mỗi lô 50 gà rồi đem đánh giá các chỉ tiêu chất lượng, trong khoảng thời gian thí nghiệm là 4 tuần..

Màu sắc lòng đỏ trứng thu được được đánh giá thông qua quạt so màu Roche (Roche yolk colorimetric fan, Roches, Switzerland).

leftcenterrightdel
 Dược liệu kỳ tử trước và sau khi được nghiền thành bột tại phòng thí nghiệm
leftcenterrightdel
Màu sắc của lòng đỏ trứng được đánh giá bằng quạt so màu Roche 

 

Kết quả chính:

Ảnh hưởng của việc bổ sung bột kỳ tử đến các chỉ tiêu về khối lượng và màu sắc lòng đỏ trứng gà tại trang trại gà Long Nga được chúng tôi thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Ảnh hưởng của việc bổ sung bột kỳ tử đến các chỉ tiêu về khối lượng và màu sắc lòng đỏ trứng gà

Chỉ tiêu

Lô đối chứng

Lô bổ sung bột kỳ tử

Tuần 1

Khối lượng trứng

56,79 ± 2,05

57,02 ± 3,01

Khối lượng lòng đỏ

17,86± 1,58

17,88 ± 1,44

Điểm số quạt màu lòng đỏ

7,2 ± 0,3

7,2± 0,6

Tuần 2

Khối lượng trứng

57,45 ± 3,04

57,85 ± 2,84

Khối lượng lòng đỏ

18,22 ± 2,37

18,52 ± 2,58

Điểm số quạt màu lòng đỏ

7,3 ± 0,2

8,1± 0,2 *

Tuần 3

Khối lượng trứng

57,34 ± 2,81

57,44 ± 3,08

Khối lượng lòng đỏ

17,85 ± 2,05

18,01 ± 2,07

Điểm số quạt màu lòng đỏ

7,3 ± 0,2

8,2± 0,5 *

Tuần 4

Khối lượng trứng

58,22 ± 3,06

58,32 ± 3,03

Khối lượng lòng đỏ

18,61 ± 1,29

18,70 ±1,01

Điểm số quạt màu lòng đỏ

7,2 ± 0,1

9,3± 0,3 *

Ghi chú:  Các số được đánh dẫu bằng chứ * chỉ các sự khác biệt có ý nghĩa khi xử lý sắc xuất thống kê bằng hàm unpair t – test (p <0,05).

Thông qua bảng trên chúng tôi nhận thấy việc bổ sung dược liệu kỳ tử với hàm lượng 5g/ kgP không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và các chỉ tiêu khác về chất lượng trứng gà (bao gồm chỉ tiêu về khối lượng trứng và khối lượng lòng đỏ), trong khi tạo ra được các ảnh hưởng tích cực lên màu sắc lòng đỏ trứng.

Kết luận:

Dược liệu kỳ tử có tiềm năng để sử dụng làm phụ gia bổ sung vào thức ăn chăn nuôi cho gà đẻ để làm tăng màu sắc lòng đỏ trứng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ cần tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ hơn cơ chế tác dụng cũng như tìm ra các biện pháp nhằm nâng cao dược tính của dược liệu này trong thực tế.

Nguyễn Thị Thanh Hà1, Nguyễn Thành Trung1, Nguyễn Thanh Hải2

1Bộ môn Nội – Chẩn – Dược, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Bộ môn công nghệ sinh học thực vật, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam