Ngày 12/4/2023, nhóm Nghiên cứu mạnh Phát triển du lịch và ngoại ngữ - Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã tổ chức seminar với chủ đề “Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học kỹ năng mềm” do ThS. Lê Thị Kim Thư – Bộ môn Sư phạm công nghệ trình bày.

Đổi mới phương pháp dạy học để người học tích cực, chủ động, sáng tạo là rất cần thiết và không thể thiếu trong đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục. Với xu hướng dạy học lấy người học là trung tâm thì việc sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy đang ngày càng phát triển tại các cơ sở giáo dục – nhất là đối với các trường đại học. Bản đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Bản đồ tư duy giúp giáo viên cung cấp một cái nhìn tổng quát, tập trung vào vấn đề cần trao đổi cho sinh viên. Sinh viên cũng được tiếp nhận tin một cách tổng quan và chính xác nhất chính vì vậy mà hiệu quả của giờ dạy sẽ được tăng lên.

leftcenterrightdel
 ThS. Lê Thị Kim Thư trình bày seminar

Bản đồ tư duy (Mind Map) là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (sinh năm 1942, người Anh, chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hoạt động của bộ não và là cha đẻ của Mind Map) nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Sơ đồ tư duy là con đường dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Đây là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức… bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực”.

Trong bài trình bày của mình, ThS. Lê Thị Kim Thư đã khái quát 04 bước để thực hiện bản đồ tư duy: Vẽ chủ đề trung tâm – Vẽ các nhánh chính, nhánh phụ vào trung tâm - Sử dụng hình ảnh ký hiệu vẽ hỗ trợ thêm cho các ý tưởng - Có thể thêm nhiều hình ảnh khác giúp lưu giữ vào trí nhớ dễ dàng, làm cho bản đồ tư duy được sáng tạo, thu hút.

Ngoài những ưu điểm to lớn mà bản đồ tư duy mang lại trong dạy và học thì tác giả cũng chỉ ra những hạn chế như Không nên ứng dụng BĐTD cho một mảng kiến thức quá lớn, sử dụng bản đồ tư tư, sinh viên khó khăn trong việc xác định ý chính, ý phụ, khó khăn trong việc xác định từ khóa…

Áp dụng bản đồ tư duy trong dạy học đã chứng tỏ tính ưu việt vượt trội của nó trong việc đưa người học lên đến vị trí trung tâm của quá trình dạy học, tăng hứng thú học tập của người học, góp một phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng trí tuệ của người học, phát huy tối đa tính tích cực và sáng tạo của họ trong học tập và góp phần không nhỏ vào việc đổi mới PPDH. Qua đó, giáo viên có thể đánh giá đúng mức kết quả hoạt động của người học về nội dung kiến thức, về tính thẩm mỹ, khoa học, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức và thực tiễn.