Nghiên cứu khoa học từ lâu đã được coi là sức sống của trường đại học. Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vững phương châm đó thông qua việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên một cách sôi nổi. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 với những diễn biến phức tạp, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên vẫn được các giảng viên trong Khoa thúc đẩy với sự tham gia tích cực của các nhóm sinh viên.
Chủ đề NCKH của sinh viên khoa Kinh tế và PTNT ngày càng đa dạng, phong phú và gắn với lĩnh vực chuyên môn vừa gắn với nhu cầu của thực tiễn cuộc sống kinh tế - xã hội. Các chủ đề nghiên cứu tập trung vào xem xét các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, vấn đề liên kết chuỗi giá trị hàng hoá trong nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp….Trong một số năm trở lại đây, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của Khoa liên tục tăng trong đó có những đề tài đạt chất lượng tốt và được giải cao như giải thưởng sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC dành cho sinh viên. Cùng với việc làm nghiên cứu khoa học một số sinh viên đã phát triển thành các dự án khởi nghiệp thành công như dự án sản xuất chè Shan ở Vị Xuyên, Hà Giang của sinh viên K58 Hà Ngọc Châm .
Lợi ích của NCKH với sinh viên là gì?
Trước hết, khi tiếp cận với hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về những kiến thức đã được trang bị trên giảng đường, nhất là việc tiến hành một nghiên cứu kinh tế xã hội liên quan đến chuyên ngành đang theo học. Bên cạnh đó, sinh viên được bổ sung thêm những kiến thức từ thực tiễn phong phú của xã hội khi thực hiện nghiên cứu. Quá trình đi liên hệ địa bàn, khảo sát, điều tra, phỏng vấn để thu thập thông tin sinh viên sẽ được tiếp cận với thực tế sớm hơn, tạo tiền đề tốt để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn ở tương lai.
Thứ hai, NCKH giúp sinh viên biết cách thực hiện những công việc một cách khoa học như: viết đề cương nghiên cứu, lập kế hoạch, bố trí thời gian, cân đối kinh phí, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm… Những kĩ năng có được qua thực hiện nghiên cứu giúp hình thành tư duy logic, biện chứng và tổng quát vấn đề, đó là kĩ năng quan trọng người quản lý, của nhà lãnh đạo trong tương lai; Là cơ sở nền tảng phát triển năng lực làm việc sau khi ra trường. Đồng thời, NCKH cũng giúp sinh viên có cơ hội thực hành để hoàn thiện các kĩ năng như: kỹ năng làm việc tập trung, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình và bảo vệ kết quả nghiên cứu trước hội đồng chuyên môn.
Thứ ba, NCKH tạo môi trường để sinh viên được mở rộng các mối quan hệ bạn bè trong khoa, thầy cô và các tổ chức, cơ quan chính quyền, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành. Đây chính là lợi thế giúp sinh viên có thể học hỏi, mở mang tầm kiến thức đa đạng và phong phú hơn,… Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên khi tiếp cận các công việc sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Cuối cùng, NCKH hỗ trợ sinh viên cải thiện khả năng nghiên cứu, có kinh nghiệm trong việc tìm đọc, tìm tài liệu, cách trích dẫn tài liệu, phân tích số liệu. Sinh viên làm NCKH sẽ nâng cao kỹ năng viết báo cáo khoa học, khóa luận tốt nghiệp khi chuẩn bị ra trường và những kỹ năng viết báo cáo khi đi làm sau này. Những kinh nghiệm nghiên cứu đó cũng sẽ rất hữu ích khi sinh viên có mục tiêu học lên cao hơn ở bậc sau đại học ở Việt Nam cũng như xin học bổng của trường đại học ở nước ngoài. Bằng chứng là sinh viên đã từng tham gia NCKH của Khoa sau khi tốt nghiệp đã có những vị trí việc làm tốt trong các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức NGOs, nhiều bạn đã xin được học bổng thạc sỹ tại các nước phát triển như Úc, Bỉ, Nhật Bản…
Khoa Kinh tế và PTNT có thể hỗ trợ gì cho sinh viên trong khoa làm nghiên cứu khoa học?
Khi tham gia hoạt động NCKH tại Khoa Kinh tế và PTNT, sinh viên sẽ được Khoa hỗ trợ chuyên môn qua việc phân công trực tiếp thầy cô hướng dẫn thực hiện đề tài nghiên cứu. Thầy cô sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên ngay sau khi được phân công nhiệm vụ phụ trách hướng dẫn. Sau khi hoàn thiện đề xuất nghiên cứu gửi hội đồng xét duyệt ở Khoa, các đề tài nghiên cứu được duyệt chọn và sẽ được tài trợ kinh phí thực hiện đề tài với kinh phí từ 3.000.000đ đến 5.000.000 đ/đề tài. Trung bình mỗi năm Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tài trợ kinh phí cho 7-10 đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Nhằm giúp sinh viên đạt được kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện đề tài, Khoa Kinh tế và PTNT cũng tổ chức các buổi tập huấn có liên quan như: Kỹ năng viết để xuất, đề cương nghiên cứu; Phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu trên phần mềm Excel, SPSS; Kỹ năng viết báo cáo và thuyết trình nhằm trang bị cho sinh viên có đầy đủ nhận thức về hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận phương pháp và kỹ năng triển khai thực hiện đề tài.
Đặc biệt, toàn bộ nghiên cứu khoa học của sinh viên của Khoa khi hoàn thành sẽ được bảo vệ trước hội đồng chuyên môn là các thầy cô có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu. Các bạn sinh viên sẽ được thầy cô đánh giá, góp ý chỉnh sửa để có báo cáo NCKH đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. Các nghiên cứu có tính thực tiễn và giá trị khoa học tốt của sinh viên sẽ được gửi lên cấp Học viện để dự thi NCKH cấp Học viện và những giải thưởng NCKH ngoài Học viện như VIFOTEC, Tài năng trẻ….
Ngoài ra, sinh viên của Khoa khi tham gia NCKH được ưu tiên xét cấp học bổng, tính điểm rèn luyện, xét các danh hiệu thi đua, cấp Giấy chứng nhận tham gia NCKH và khen thưởng nếu có thành tích trong NCKH.
Sinh viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tiến hành NCKH trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 thế nào?
Sinh viên được các thầy cô hướng dẫn tiến hành các hoạt động khảo sát trên nền tảng trực tuyến. Do việc hạn chế tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh, việc khảo sát của sinh viên vẫn diễn ra thông qua thiết kế phiếu xin ý kiến online dựa vào các nền tảng Google form hay Survey Monkey như đề tài “Bình đẳng giới và nhận thức của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam về sức khoẻ sinh sản” hay “Ứng xử của người tiêu dùng Hà Nội với đồ ăn nhanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19”…
Đối với nhóm sinh viên đang ở địa phương, không trực tiếp báo cáo kết quả khảo sát thường xuyên với giảng viên hướng dẫn, giảng viên trong khoa cũng tiến hành hướng dẫn sinh viên sử dụng nền tảng nhập liệu trực tiếp trên một số hệ thống như phần mềm KoBoToolbox. Công cụ này có ưu điểm giúp sinh viên nhập liệu kết quả khảo sát trên thiết bị điện thoại thông minh ngay cả khi không có kết nối internet. Giảng viên hướng dẫn có thể trợ giúp kịp thời cho sinh viên thông qua các góp ý trên nền tảng nhập liệu này.
Việc nghiệm thu kết quả NCKH của sinh viên vẫn được diễn ra kịp thời và hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh bằng việc sinh viên báo cáo trên nền tảng dạy học trực tuyến Ms Teams.
Nếu bạn đang là sinh viên Khoa kinh tế và PTNT thì hãy mạnh dạn thành lập nhóm nghiên cứu, liên hệ sớm với các thầy cô ở các Bộ môn để hình thành ý tưởng nghiên cứu và chuẩn bị đề cương nghiên cứu cho các đợt đăng kí NCKH và Dự án khởi nghiệp trong năm.
|
|
Tổng kết sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019 |
|
|
|
Sinh viên báo cáo kết quả nghiên cứu trên nền tảng Ms Teams năm2021 |
|
|
|
Sinh viên thực hiện khảo sát đề tài về rác thải sinh hoạt tại Mỹ Hào, Hưng Yên năm2014 |
|
|
|
Sinh viên thực hiện khảo sát nghiên cứu trên đồi chè tại Trung Thành, Vị Xuyên, Hà Giang năm2017 |
|
|
|
Sinh viên thực hiện khảo sát nghiên cứu online trên nền tảng Google form |
|
|
|
Sinh viên thực hiện khảo sát nghiên cứu trên nền tảng KoBoToolbox |
|
Xuân Phi, Thanh Loan - KT&PTNT