Gà nhà được thuần hóa từ gà rừng và được chọn lọc giống trong nhiều năm nhằm tăng năng suất và được nuôi trong các hệ thống nuôi nhốt để tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp hiện nay ở nước ta chưa quan tâm nhiều tới vấn đề về phúc lợi của con vật, đồng thời chăn nuôi gà còn sử dụng khá nhiều kháng sinh trong phòng và trị bệnh. Vì vậy, việc cải tiến phương thức chăn nuôi và sử dụng các chế phẩm thảo dược đang là xu thế ở trên thế giới và Việt Nam hiện nay.

Ngày 27/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi tiếp tục tổ chức buổi seminar khoa học về chủ đề xu thế chăn nuôi không nhốt lồng ở gà đẻ và sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thịt. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các Thầy Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.

leftcenterrightdel
 

Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của TS Hán Quang Hạnh về chủ đề: “Chăn nuôi gà đẻ không nhốt lồng: Xu thế và các vấn đề về năng suất và phúc lợi động vật”. Chăn nuôi gà đẻ theo phương thức nhốt trong các lồng truyền thống phát triển từ những năm 1920-1930 ở Mỹ, sau đó phổ biến ở trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi này vi phạm về phúc lợi động vật bởi vì con vật luôn bị stress, không có khả năng được vận động và thể hiện các tập tính tự nhiên của loài như tắm cát, đậu giàn, làm ổ đẻ, và dễ bị các tổn thương và rụng, xơ lông. Do vậy, ở nhiều nước trên thế giới đã cấm phương thức nuôi nhốt gà trên lồng truyền thống và chuyển sang các phương thức chăn nuôi không nhốt lồng như: nuôi dưới nền, nuôi nhiều tầng mở, nuôi bán thả,.. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp liên quan tới cung cấp thực phẩm từ trứng (nhà hàng, khách sạn, công ty chế biến thực phẩm từ trứng) đã cam kết chỉ mua trứng từ những trang trại được chứng nhận chăn nuôi không nhốt lồng. Mặc dù mỗi phương thức chăn nuôi (nhốt lồng và không nhốt lồng) có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau về năng suất, phúc lợi động vật nhưng rõ ràng xu thế chuyển đổi sang chăn nuôi gà đẻ không nhốt lồng đang phát triển khá nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến về chuồng trại và phương thức quản lý trang trại để vừa đảm bảo năng suất tốt, vừa nâng cao chất lượng phúc lợi động vật.

leftcenterrightdel
 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Phương đã trình bày bài seminar với chủ đề: “Ảnh hưởng của tuổi giết thịt đến năng suất và chất lượng thịt của gà Ri lai [Ri × (Ri × Lương Phượng)) nuôi bằng khẩu phần bổ sung thảo dược”. Bổ sung thảo dược vào thức ăn thay thế kháng sinh trong phòng trị bệnh, nâng cao được chất lượng sản phẩm ngày càng được người chăn nuôi và tiêu dùng lựa chọn. Do đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu bổ sung 1% hỗn hợp thảo dược (đương quy, tỏi, đơn kim, xạ đen, nghệ và quế chi) vào khẩu phần ăn của gà Ri lai và đánh giá ảnh hưởng tới năng suất chăn nuôi, sức sản xuất thịt và chất lượng thịt gà. Đề tài đã cho kết quả tốt và đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thảo dược cho gà thịt lông màu cũng như xác định được tuổi giết thịt phù hợp và chất lượng thịt gà.

leftcenterrightdel
 

Cuối buổi seminar, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về xu thế và các giải phát để cải tiến hệ thống chăn nuôi gà đẻ không nhốt lồng cũng như tiềm năng sử dụng thảo dược bổ sung vào thức ăn cho gà thịt.

 

Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi