Ngày 10/10/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa Kinh tế và PTNT đã tổ chức seminar với chủ đề “Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính – Bài học kinh nghiệm từ tỉnh Thái Bình”. Đây là một chủ đề mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2050 sẽ giảm mức phải thải ròng về không tại Hội nghị COP26. Chủ đề được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Hải Ninh đã thu hút được sự quan tâm lắng nghe và thảo luận sôi nổi của các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT.
Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính - AVERP” còn được biết đến với tên gọi Agresults Việt Nam là một sáng kiến đa phương được tài trợ bởi các Chính phủ Úc, Canada, Anh, Hoa Kỳ và Quỹ Bill & Melinda Gates. Tiền tài trợ được quản lý thông qua Quỹ trung gian tài chính do Ngân hàng Thế giới điều hành. Tại Việt Nam, Dự án đã lựa chọn tỉnh Thái Bình để triển khai cuộc thi sáng kiến công nghệ sản xuất lúa giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính dựa trên cơ chế “kéo”, còn gọi là cơ chế “trao thưởng cho kết quả đạt được”. Sau 2 giai đoạn thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020, Dự án đã lựa chọn được 3 gói công nghệ xuất sắc tương ứng của 3 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo để mở rộng hoạt động sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính trên toàn tỉnh Thái Bình. Các gói công nghệ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đều tập trung điều chỉnh các kỹ thuật như: cấy thưa, kiểm soát nước tưới một cách tiết kiệm, sử dụng phân bón chậm tan hoặc NPK tổng hợp và kiểm soát rơm rạ sau thu hoạch bằng các chế phẩm sinh học.
Sau 4 năm hoạt động, các doanh nghiệp tham gia Dự án AVERP đã triển khai công nghệ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đến 28.031 hộ nông dân, tương đương 6% hộ nông dân trồng lúa và khoảng 3% diện tích sản xuất lúa của tỉnh Thái Bình. Với những thành công và kết quả đạt được, sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Thái Bình đem lại nhiều bài học thực tiễn cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách như sau:
Thứ nhất, vai trò của khu vực tư nhân là hết sức quan trọng. Dự án AVERP đã chứng minh rằng các phương pháp tiếp cận dựa trên cơ chế “trao thưởng cho kết quả đạt được” có thể thành công trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp đạt giải thưởng của cuộc thi do Dự án đặt ra là doanh nghiệp triển khai các gói công nghệ phù hợp nhất với mô hình kinh doanh cốt lõi của họ, cũng như tận dụng triệt để các liên kết thị trường đầu vào, đầu ra hiện có.
Thứ hai, cần có sự hợp tác công – tư trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ mới và biến đổi khí hậu. Giống như nhiều sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu khác, giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự lãnh đạo và quản lý của khu vực công, đặc biệt liên quan đến quản lý nước. Do đó, hợp tác công – tư đóng vai trò quan trọng.
Thứ ba, ần nhấn mạnh đến sự liên kết giữa các gói công nghệ với cơ hội cho thị trường đầu ra của lúa giảm phát thải và thị trường các yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để tăng cường khả năng tiếp nhận của nông dân với các công nghệ mới này. Qua đó, tạo lập tính bền vững của các gói công nghệ giảm phát thải.
Nguyễn Thị Hải Ninh – Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý TNMT