Sáng thứ 4, ngày 4 tháng 3 năm 2020, Khoa Kinh tế và PTNT đã mời TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc dự án quốc gia của DGRV – Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen CHLB Đức tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines, tới thuyết trình về chuyên đề “Vai trò của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp của Đức - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Tham dự trong buổi seminar có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, các Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh của Khoa và các giảng viên trong Khoa.
Trong phần mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền đã giới thiệu tóm lược về vấn đề hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập cũng như giới thiệu về kinh nghiệm và lĩnh vực chuyên môn của diễn giả khách mời. TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về mô hình HTX và liên kết HTX với hệ thống chuỗi giá trị tại các nước phát triển ở châu Âu cũng như các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
|
|
TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc dự án quốc gia của DGRV trình bày |
Bài thuyết trình của TS. Tuyết Minh cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích về tổng thể về nền nông nghiệp Đức, khu vực kinh tế HTX của Đức, phân tích một số mô hình HTX nông nghiệp tại Đức và từ đó bàn luận những kinh nghiệm cho Việt Nam. Dù rất nổi tiếng về công nghiệp nhưng nước Đức, với diện tích tương đồng với Việt Nam, cũng có một nền nông nghiệp rất mạnh trị giá 61 tỷ Euro, ngành công nghiệp chế biến 180 tỷ Euro và xuất khẩu 73 tỷ Euro hàng nông sản. Nước Đức hiện còn khoảng 280.000 trang trại với quy mô trung bình 60 ha. Và đặc biệt là hầu hết các trang trại, dù với quy mô nhỏ hay lớn đều là thành viên của ít nhất một HTX, nơi họ được cung cấp dịch vụ đầu vào, hoặc dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng như những dịch vụ tư vấn cần thiết. Tại Đức, HTX được coi là một loại hình doanh nghiệp, bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác, và nó hoạt động theo luật HTX và luật doanh nghiệp. Theo luật này, mỗi HTX bắt buộc phải là thành viên của một liên đoàn kiểm toán HTX cấp khu vực, điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả các HTX tại Đức đều có nghĩa vụ thực hiện kiểm toán. Lệ phí thành viên sẽ được tự động phân bổ cho bốn liên đoàn quốc giao phân chia theo ngành nghề (BVR – Liên đoàn cấp quốc gia cho các HTX tín dụng, DRV – Liên đoàn cấp quốc gia của các HTX nông nghiệp, ZGV – Liên đoàn cấp quốc gia của các HTX dịch vụ, thương mại, và ZdK – Liên đoàn cấp quốc gia của các HTX tiêu dùng). Hơn 2000 HTX nông nghiệp của quốc gia này tạo ra doanh thu khoảng 63,6 tỷ Euro, chiếm một tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm tại Đức.
Diễn giả cũng giới thiệu hai ví dụ mô hình HTX với các đặc thù khác nhau về địa lí, hoạt động và cách thức tổ chức. Mô hình thứ nhất, HTX sản xuất và tiêu thụ rau Reichenau được thành lập năm 1956 với 75 hộ tham gia và doanh thu 46 triệu Euro (năm 2016). HTX này bị hạn chế tự nhiên về địa lí nhưng vẫn thành công nhờ vào các nguyên tác chặt chẽ trong kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thông tin thông suốt trong toàn hệ thống và quản lý khách hàng để không bị phụ thuộc vào một (ít) khách hàng chính. Mô hình thứ hai là HTX sản xuất tập trung Wöllmisse thành lập mới năm 1991, sau khi thống nhất nước Đức và hiện có 106 thành viên. Với quy mô lớn, việc sản xuất của HTX này được tổ chức tập trung và chuyên môn hóa hơn nên giám đốc HTX có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu thị trường, tập trung vào vấn đề quản trị. Điểm quan trọng khác của HTX này là luôn chú trọng đến công tác bồi dưỡng thế hệ kế cận và không ngừng cải tiến và đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Cuối phần trình bày, TS. Tuyết Minh liên hệ bài học kinh nghiệm cho Việt Nam thông qua một lộ trình (roadmap) để phát triển các HTX nông nghiệp mà Nhóm công tác về HTX nông nghiệp của ASEAN - ASWGAC (ASEAN SECTORAL WORKING GROUP ON AGRICULTURAL COOPERATIVE) đề xuất năm 2018 và mới được thông qua năm 2019.
Bài thuyết trình thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao về tính thời sự và thực tiễn từ phía người tham dự. Nhiều câu hỏi và nhận định liên quan đến kinh nghiệm tổ chức, vận hành cũng như vai trò của HTX trong hai điều kiện như Đức và Việt Nam đã được nêu ra.
Thay mặt cho Khoa, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền đã cảm ơn những chia sẻ quý báu của TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh và mong muốn được mời diễn giả xuất hiện trong các seminar có liên quan trong tương lai của Khoa cũng như mở ra các cơ hội hợp tác mới về phát triển HTX tại Việt Nam.
Dương Nam Hà – Bộ môn Phân tích định lượng