Chiều ngày 22 tháng 05 năm 2023, tại phòng 404 của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương đại diện cho nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn đã trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam”.
Nhằm chia các kết quả nghiên cứu của các nhóm Nghiên cứu mạnh, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức các seminar sinh hoạt học thuật định kỳ vào buổi chiều thứ 2 hàng tuần. Chiều 22 tháng 05 năm 2023, tại phòng 404 của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương đại diện cho nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn đã trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam”.
Xác định nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp an toàn một cách chủ động thực tiễn triển khai ứng dụng NNCNC cho thấy có các chủ thể khác nhau cùng tham gia như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân. Trong đó, HTX được xác định giữ vai trò quan trọng trong tổ chức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân cũng như gắn kết hộ nông dân với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại những kết quả tích cực. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá toàn diện và cụ thể về thực trạng ƯDCNC của các HTX NN. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ cao của các HTX nông nghiệp, chỉ ra các kết quả và các hạn chế, cũng như những rào cản khó khăn của các HTX NN trong quá trình ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 9,84% tổng số HTX nông nghiệp. Số lượng HTX NN ƯDCNC trải rộng ở khắp các vùng và địa phương trong cả nước, nhưng phân bố tập trung chủ yếu ở 3 vùng, gồm vùng miền núi phía Bắc (chiếm 25,6%), Đồng bằng sông Hồng (chiếm 22,1%) và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 17,2%). Ba vùng này có số lượng HTX NN ƯDCNC chiếm tới 64,9% tổng số HTX NN ƯDCNC cả nước. Các HTX nông nghiệp ƯDCNC tập trung chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt (76,9%).
Thực trạng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của các HTX nông nghiệp được phân tích và đánh giá qua các khía cạnh: Xác định động lực ứng dụng công nghệ cao; Lựa chọn công nghệ ứng dụng; Huy động các nguồn lực cho ứng dụng công nghệ cao; Phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; Tổ chức ứng dụng CNC; và Quảng bá thương hiệu nông sản ứng dụng CNC; kết quả ứng dụng được đánh giá trên cả khía cạnh về kết quả sản xuất kinh doanh của HTX, của thành viên, lợi ích xã hội và môi trường mang lại cho cộng đồng. Các mô hình HTX ứng dụng CNC thành công trong trồng trọt và chăn nuôi đã được đánh giá và tổng kết kinh nghiệm.
Hầu hết các HTX ứng dụng trong khâu sản xuất (100%), số HTX ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến còn hạn chế, khoảng 16,7%. Công nghệ nhà màng, nhà lưới cho các sản phẩm rau và hoa (chiếm 48,3%); Hệ thống tưới có điều khiển được áp dụng bởi 60% số HTX điều tra. Tỷ lệ HTX ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... chỉ chiếm khoảng 15%; 8,3% ứng dụng cảm biến vạn vật kết nối internet (Iots); Công nghệ cơ giới hóa đồng bột được các HTX trồng lúa ở Long An ứng dụng (5%). Trong khâu sơ chế, bảo quản và chế biến: Số lượng HTX ứng dụng công nghệ sơ chế tự động còn hạn chế, chỉ chiếm 10%; Khoảng 63,3% HTX có kho lạnh, chỉ 16,7% HTX điều tra có dây chuyền chế biến. Trong khâu tiêu thụ, 48,3% HTX ứng dụng công nghệ QR truy xuất nguồn gốc nông sản.
Doanh thu bình quân của các HTX NN ƯD CNC đạt 25.140 triệu đồng/HTX gấp 5-6 lần HTX NN chưa ứng dụng CNC; Lợi nhuận trước thuế của các HTX NN ƯD CNC tính trung bình chung cũng cao gấp 9-10 lần các HTX nông nghiệp chưa ứng dụng, ở mức 2.906,3 triệu đồng/HTX, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu đạt 11,6%, lợi nhuận phân phối cho thành viên trung bình là 905 triệu đồng/HTX, khoảng 3,3% tổng doanh thu của HTX.
Nghiên cứu cũng thảo luận các trở ngại trong ứng dụng CNC cũng như xác định các nguyên nhân của các trở ngại: Hạn chế về nguồn nhân lực; Rào cản về vốn và tín dụng; Rào cản về nguồn lực đất đai; Hạn chế về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của HTX; Khó khăn trong tiêu thụ nông sản ứng dụng CNC; Khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng. Từ đó, đề xuất hệ thống các giải pháp thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo 3 nhóm giải pháp, bao gồm: (i) Nhóm chính sách, giải pháp định hướng HTX nông nghiệp ứng dụng CNC; (ii) Nhóm chính sách, giải pháp tạo động lực để HTX nông nghiệp triển khai ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (iii) Nhóm chính sách, giải pháp phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại cho HTX trong ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.