Chiều ngày 04/01/2022 trên diễn đàn trực tuyến (trên nền tảng Zoom) của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (PTNT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra seminar với chủ đề “Participatory processes, systems thinking, and rural renewal: an international perspective” (Các quá trình có sự tham gia, tư duy hệ thống và đổi mới nông thôn: Một quan điểm quốc tế) do GS. Karl Rich (Đại học Bang Oklahoma, Hoa Kỳ), diễn giả khách mời của nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường trình bày. Đây là diễn đàn nhằm chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên và các học viên sau đại học của Khoa cũng như các khách mời chuyên gia.
Giáo sư Karl Rich là giáo sư kinh tế nông nghiệp, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Nông nghiệp quốc tế (Master of International Agriculture Program) tại trường Ferguson College of Agriculture của Đại học Bang Oklahoma (OSU, Hoa Kỳ). Ông là một chuyên gia uy tín hàng đầu trên thế giới (Google Scholar: 3348 trích dẫn, h-index = 31) với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn quốc tế tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển. Trước khi làm việc tại OSU, GS. Karl Rich là chuyên gia kinh tế cao cấp cho Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Phó giáo sư tại Đại học Lincoln (New Zealand), Viện Quan hệ quốc tế Na-Uy (tại Oslo), Khoa Kinh tế tại Đại học Hoa Kỳ của Cairo, Văn phòng Nam Á của Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm (IFPRI, tại New Dehli, Ấn Độ) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (tại Washington D.C.).
Tham dự buổi seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và PTNT gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó trưởng Khoa, TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa, đại diện Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, TS. Nguyễn Anh Trụ - Phó trưởng Khoa và đông đảo các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của hai Khoa tham dự. Điều hành chương trình là PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga, một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực hiện các dự án kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn trong nước và quốc tế của Khoa Kinh tế và PTNT.
|
|
Trình bày seminar trực tuyến trên nền tảng Zoom (Ảnh: Dương Nam Hà – VNUA) |
Mở đầu buổi seminar, TS Nguyễn Hữu Nhuần đại diện ban tổ chức giới thiệu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và giới thiệu diễn giả của buổi trao đổi. Sau đó, GS. Karl Rich bắt đầu bài trình bày của mình. Giáo sư giới thiệu về bối cảnh các dự án nghiên cứu và phát triển có sử dụng tiếp cận tư duy hệ thống và các quy trình có sự tham gia gắn với đánh giá chính sách phát triển nông nghiệp. Các phương pháp được đề cập có thể áp dụng từ cấp nông hộ đến cấp độ chuỗi giá trị.
Việc xây dựng mô hình hóa theo nhóm (group model building) bao gồm ba hợp phần: tư duy hệ thống (systematic thinking), xây dựng mô hình (model building) và kết nối với cộng đồng (community engagement). Khi đó, khái niệm nhóm (team) là quan trọng, trong đó các tác nhân (stakeholders) không phải là các chuyên gia mà là những người nông dân, thương nhân, cán bộ thú y để có thể tạo được các mô hình đồng kiến tạo (co-constructive model). Các chuyên gia có thể tham gia vào các nhóm tư vấn (reference group) để rà soát mô hình.
|
|
Một số chủ đề lý thuyết và tổng hợp các ví dụ thực tế ở các nước đang phát triển của bài trình bày (Ảnh: Dương Nam Hà – VNUA) |
Để giải thích rõ hơn về phương pháp mô hình hóa theo nhóm, GS. Karl Rich đã dùng nhiều ví dụ từ các nghiên cứu của mình tại nhiều nước đang phát triển khác nhau từ châu Phi đến châu Á trong đó có chuỗi giá trị thịt lợn tại Việt Nam. Để minh họa cho việc làm việc từ xa trong điều kiện khó thực hiện trực tiếp như Covid-19, diễn giả đã kể về việc một nghiên cứu sinh của ông đã thực hiện một giao diện tương tác trên nền web của iSee để nhận các góp ý từ nhiều chuyên gia để hoàn thiện mô hình ở Nicaragua. Trong một ví dụ khác, nhóm nghiên cứu của ông đã thu thập dữ liệu thông qua nền tảng trực tuyến với dự án ở Ghana và Timor Leste.
|
|
Phần trao đổi sau bài trình bày có sự tham gia của nhiều thành viên (Ảnh: Dương Nam Hà – VNUA) |
Sau phần trình bày, các thành viên tham gia buổi seminar đã đưa ra rất nhiều các câu hỏi trao đổi và chia sẻ về nội dung bài trình bày và phương pháp mô hình tư duy hệ thống có sự tham gia. Việc sử dụng mô hình động như một công cụ trực quan kết hợp các lớp dữ liệu bản đồ khác nhau có thể hỗ trợ cho quá trình trao đổi và thu thập thông tin cho mô hình. Tính đại diện trong xây dựng nhóm thiết kế mô hình cũng là yếu tố cần quan tâm và phải được đảm bảo. GS. Karl Rich cũng nhấn mạnh thời gian chuẩn bị trước khi có thể tiến hành các hội thảo tác nhân và họp nhóm là khá lâu. Một khó khăn khác là nhiều khi nhóm nghiên cứu cũng không thể lấy đủ các thông tin cần cho mô hình chỉ dựa trên các thảo luận nhóm. Bên cạnh đó, việc phối hợp các thông tin định lượng và định tính cũng rất quan trọng và tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn để cân đối phương pháp và thông tin để tận dụng ưu thế, giá trị của mỗi loại thông tin.
Buổi chia sẻ học thuật đã diễn ra sôi nổi và các thành viên tham gia đều cảm thấy các thông tin rất hữu ích, có tính học thuật cao cũng như khả năng ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Chủ tọa chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga đã tóm tắt lại các vấn đề chung cũng như các kết luận sau các thảo luận. Đại diện Khoa Kinh tế và PTNT, TS. Nguyễn Hữu Nhuần đã cảm ơn diễn giả và đề xuất các hướng hợp tác tương lai cả về đào tạo và hợp tác khoa học.
Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường