Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học UCLouvain, Vương quốc Bỉ, sáng ngày 14/03/2023 tại phòng 405, nhà Hành chính, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tổ chức buổi seminar với chủ đề “Better together? The effect of Vietgap and PGS certification on farmers’ welfare in Vietnam” do nghiên cứu sinh Laura Enthoven đến từ Đại học UCLouvain, Vương quốc Bỉ trình bày.

Tham dự seminar có PGS.TS. Nguyễn Phượng Lê – Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Chính sách, TS. Lê Thị Thanh Loan - Trưởng nhóm NCM Chính sách nông nghiệp cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên lớp Kinh tế nông nghiệp giảng dạy bằng tiếng Anh.

 

leftcenterrightdel
 NCS Laure Enthoven, Đại học UCLouvain trình bày tại Seminar

Trong những năm gần đây, nghiên cứu về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP, Organic, PGS (Participatory Guarantee System) đã được thực hiện bởi một số học giả trong nước và quốc tế nhưng đa số các phát hiện mới chỉ tập trung vào đánh giá riêng lẻ từng kỹ thuật canh tác và ảnh hưởng của mỗi kỹ thuật đến hiệu quả kinh tế của người sản xuất rau ở Việt Nam. Bài trình bày của nghiên cứu sinh Laure Enthoven nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia đồng thời Vietgap & PGS, và phân tích ảnh hưởng của việc tham gia sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn đó đến thu nhập và tiếp cận thị trường của các hộ sản xuất rau trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát dữ liệu theo chuỗi thời gian (Panel Data) ở hai thời điểm 2018 (khi dự án sản xuất rau an toàn theo chuẩn PGS bắt đầu được triển khai) và 2022 (ngay sau khi dự án kết thúc) trên 222 hộ sản xuất rau an toàn ở 3 huyện: Chương Mỹ, Gia Lâm và Thanh Trì thuộc địa bàn Hà Nội. Dữ liệu được phân tích bằng mô hình hồi quy có điều kiện (Conditional Logit Model) và mô hình tác động ngẫu nhiên tương quan (Correlated Random Effects Model).

Trong bài trình bày, nghiên cứu sinh Laure Enthoven đã chỉ ra rằng, các yếu tố về giới tính, giáo dục, tỷ lệ người phụ thuộc và quy mô đất đai ảnh hưởng đến việc tham gia sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và PGS. Tuy nhiên, việc lựa chọn vùng dự án sản xuất rau an toàn ở một số địa phương trên địa bàn Hà Nội theo cơ chế top-down dẫn đến nhiều yếu tố ảnh hưởng không được giải thích trong mô hình. Việc tham gia dự án sản xuất rau theo chuẩn PGS mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như tăng cường năng lực giám sát cộng đồng trong sản xuất rau, giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất tốt hơn, đồng thời tăng khả năng tiếp cận thị trường ở các siêu thị lớn. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng dự án chưa cải thiện được thu nhập cho nông hộ trong vùng dự án và vẫn là vấn đề tranh luận giữa các cơ quan quản lý địa phương, nông hộ và cơ quản triển khai dự án.

leftcenterrightdel
 Thành viên nhóm NCM Chính sách nông nghiệp và học giả bài trình bày chụp hình lưu niệm

Cũng trong buổi seminar có nhiều câu hỏi có liên quan tới sản xuất rau an toàn, chọn điểm nghiên cứu và việc xác định một số chỉ tiêu và công cụ tính toán cũng được các giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên trao đổi, thảo luận sôi nổi.

Hội thảo đã tạo ấn tượng sâu sắc, cung cấp kiến thức học thuật hữu ích về lợi ích của các tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn đến thu nhập và phúc lợi của nông dân ở Việt Nam.

 

TS. Lưu Văn Duy -Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách Nông nghiệp