Chiều ngày 26 tháng 12 năm 2022, tại phòng hội thảo P405 Khoa kinh tế và Phát triển nông thôn , PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng trình bày bài báo cáo với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”. Đây là một trong các hoạt động thường kỳ của nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường, Khoa Kinh tế và PTNT nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. PGS.TS Nguyễn Thị Dương Nga chủ tọa phiên seminar, cùng với sự tham gia và thảo luận sôi nổi của các giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT. 

leftcenterrightdel
 PGS. TS Nguyễn Mậu Dũng trình bày seminar về chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”

Đây là một chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn, chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ được thể hiện trong nghị quyết chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020-2030 (QĐ số 885/QĐ-TTg ngày 23/06/2020; và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững 2021-2030 QĐ 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022). Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu ở Việt Nam nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng. Bài trình bày phân tích vấn đề nghiên cứu gắn với ba mục tiêu cụ thể: một là, tổng quan lý luận và thực tiễn về phát triển nông nghiệp hữu cơ; hai là, đánh giá thực trạng và một số các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội; và ba là, đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Trong bài trình bày, tác giả nêu rõ nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch. Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM (tổ chức thế giới về nông nghiệp hữu cơ): "Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người". 

Tác giả cũng đã đánh giá thực trạng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với ngành trồng trọt hữu cơ, ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhìn chung, nông nghiệp hữu cơ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng diện tích sản lượng hữu cơ của thành phố Hà nội. Thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: (1) Việc ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn tổ chức thực hiện, cấp chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ còn chậm, chưa có các hướng dẫn hỗ trợ cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp và nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chưa có tổ chức chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế có dịch vụ rất cao… (2) Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại của Hà Nội chưa được xây dựng, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ chưa cụ thể, khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ; (3) Vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường lớn (hệ thống tưới tiêu (giếng, đường ống dẫn nước), nhà sơ chế, nhà ủ phân, đường điện....; (4) Vật tư đầu vào đáp ứng yêu cầu của sản xuất hữu cơ (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ cây trồng, vật nuôi…), không sẵn có, không được kiểm soát; (5) Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa chặt chẽ; (6) Nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nông dân chưa đầy đủ, trình độ tập quán canh tác của nông dân khó đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chưa có đào tạo chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; (7) Hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp hữu cơ không rõ ràng sẽ cao hơn so với sản xuất thông thường.

Tác giả đề xuất một số các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới: một là, hoàn thiện và cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, cụ thể hóa chính sách tín dụng, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cơ sở hỗ trợ đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ…); hai là, hoàn thiện công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; ba là, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ chứng nhận, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phầm; bốn là, tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; năm là, tăng cường tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ và lợi ích của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; sáu là, tăng cường quản lý giám sát trong cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, và quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ trên thị trường.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự seminar tại Khoa Kinh tế và PTNT

Sau phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng, các thầy cô tham dự, đại biểu tham gia đã thảo luận và chia sẻ sôi nổi xung quanh vấn đề nghiên cứu “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Các ý kiến đều mang tính gợi mở giúp vấn đề nghiên cứu có góc nhìn đa chiều. Buổi seminar đã thành công tốt đẹp.

Nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường