Chiều ngày 16 tháng 12 năm 2024, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường đã tổ chức seminar với sự tham gia báo cáo của các thành viên trong nhóm nghiên cứu TS. Phạm Thị Thanh Lan, TS. Hồ Ngọc Cường, Th.S Đoàn Bích Hạnh và Th.S Nguyễn Mạnh Hiếu. Đây là một trong những kế hoạch trong chuỗi các hoạt động của các nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Kinh tế và Quản lý. Seminar có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Song – Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường, PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng – Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, TS. Phạm Thị Thanh Lan – Trưởng bộ môn Kinh tế tài nguyên và môi trường, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên khoa Kinh tế và Quản lý tham dự.
Mở đầu buổi seminar, chủ tọa GS.TS Nguyễn Văn Song đã nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó, TS. Nguyễn Thị Thanh Lan đã trình bày về chủ đề “Nông nghiệp trung hoà các-bon: Một số vấn đề lí luận và thực tiễn ở Việt Nam”. Bài viết sử dụng tài liệu thứ cấp bao gồm các văn bản pháp luật và chính sách của Việt Nam, báo cáo của các tổ chức quốc tế và các bài báo khoa học trong và ngoài nước. Các biện pháp giảm nhẹ và hấp thụ khí nhà kính trong nông nghiệp bao gồm: (i) kĩ thuật tiên tiến trong canh tác lúa nước, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thay thế phân đạm bằng phân ít phát thải, quản lí tàn dư thực vật, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn; (ii) cải thiện dinh dưỡng trong chăn nuôi động vật nhai lại, và quản lí chất thải chăn nuôi; (iii) phát triển rừng và nông lâm kết hợp. Một số đề xuất nhằm thúc đẩy mục tiêu nông nghiệp trung hoà các-bon: hoàn thiện thể chế, chính sách, cụ thể hoá các đề án, kế hoạch; nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động tài chính cho cơ sở hạ tầng và công nghệ; đào tạo nhân lực quản lí và thực hiện giảm nhẹ và hấp thụ khí nhà kính; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ đánh giá và giám sát giảm nhẹ khí nhà kính.
Seminar thứ hai với chủ đề “Phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn huyện Xaythany, thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào” được trình bày bởi TS. Hồ Ngọc Cường. Huỵên Xaythany là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung của thủ đô Viêng Chăn trong đó có sản xuất rau. Nghiên cứu cho thấy mặc dù huyện cũng đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, tuy nhiên, lợi thế này chưa được khai thác tốt. Trước nhu cầu ngày càng lớn về tiêu dùng của người dân thủ đô Viêng Chăn, cũng như người có thu nhập cao thúc đẩy phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn Xaythany, thủ đô Viêng Chăn là một yêu cầu thực tiễn khách quan. Để thúc đẩy được phát triển sản xuất hữu cơ, công tác xúc tiến thương mại tại huyện Xaythany có vai trò quan trọng trong việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ rộng rãi tới người tiêu dùng. Các giải pháp nhằm phát triển sản xuất rau hữu cơ tại huyện Xaythany như: Giải pháp về xây dựng thương hiệu cho rau hữu cơ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất của hộ, giải pháp thị trường, đổi mới công tác hướng dẫn thực hiện kỹ thuật, giám sát, tăng cường tín dụng cho hộ và nâng cao nhận thức của hộ.
Sau phần trình bày của TS. Hồ Ngọc Cường, Th.S Nguyễn Mạnh Hiếu, trình bày về đề tài “Thực trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI vào tỉnh Hải Dương”. Kết quả nghiên cứu về thực trạng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2021 và đặc biệt là từ 2016 – 2021 thu hút FDI của tỉnh Hải Dương đã có một số phục hồi đáng kể sau giai đoạn 2011. Tuy nhiên khoảng thời gian từ 2019 – 2021 đã gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Do đã xác định thu hút vốn FDI là mũi nhọn của tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực khôi phục dòng vốn FDI sau khi đại dịch kết thúc. Qua đó cả hệ thống quản lý nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện các khung pháp lý, tái định hướng thu hút FDI. Các văn bản chính sách, quy trình thủ tục quản lý, cấp phép đầu tư đã được đơn giản hóa rõ rệt và nhận được sự hài lòng của các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Seminar thứ tư với chủ đề “Một số nội dung cơ bản về cách tính lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Đề tài nghiên cứu được trình bày bởi ThS. Đoàn Bích Hạnh. Tác giả đã khái quát một số nội dung cơ bản về cách tính lương hưu đối với người lao động làm việc bình thường tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gắn với các nội dung: (1) cách tính tỷ lệ lương hưu; (2) cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội và (3) là trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
Sau phần trình bày của các tác giả, thành viên tham gia buổi seminar đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ hơn một số nội dung trong các nghiên, ví dụ sự khác biệt về cách tính lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở các quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho những vấn đề còn tồn tại trong cách tính lương hưu đối với người lao động ở Việt Nam, vấn đề các quy chuẩn trong công tác sản xuất rau hữu cơ, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư nước ngoài…
Buổi trình bày kết thúc vào hồi 17h cùng ngày.
Một số hình ảnh trong buổi seminar của nhóm nghiên cứu mạnh
Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường