Chiều ngày 02/12/2022, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar với chủ đề “Sử dụng thuốc và vấn đề tồn dư trong môi trường NTTS” với sự tham gia của các thành viên nhóm nghiên cứu, các cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học và sinh viên của Khoa Thủy sản.

PGS.TS. Trương Đình Hoài, Trưởng nhóm NCM giới thiệu các hoạt động của nhóm và giới thiệu các bài trình bày trong buổi seminar. Hai bài trình bày trong buổi seminar gồm:

1.  “Bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo mỹ (Ictalurus punctatus) và biện pháp phòng trị do ThS. Vũ Đức Mạnh – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản trình bày.

2.   “Ảnh hưởng của pH đối với phản ứng của dấu ấn sinh học ở tôm hùm đất (Pacifastacus leniusculus) tiếp xúc với Diclofenac” do NCS. Nguyễn Văn Tuyến – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản trình bày.

Trong buổi seminar, ThS. Vũ Đức Mạnh đã trình bày về 3 nội dung: điều tra, thu mẫu bệnh phẩm bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ; xác định tác nhân gây bệnh; công tác phòng, trị bệnh. Trong đó có mô tả đặc điểm của bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng khu vực phía Bắc trên cơ sở thu 248 mẫu cá nheo Mỹ bị bệnh từ 174 lồng nuôi ở 9 tỉnh phía Bắc cho thấy có 59,7% mẫu cá nheo Mỹ bị bệnh đốm trắng nội tạng, trong đó cá nheo Mỹ nuôi lồng trên sông nhiễm (78,7%) nhiều hơn trên hồ chứa (6,2%), gan là cơ quan đích xuất hiện các đốm trắng chiếm đến 82,8% mẫu nhiễm. Bằng phương pháp quan sát mô tả hình thái xác định được tác nhân chính gây bệnh là ấu trùng sán lá Dollfustrema bagarii. Tác giả khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện theo các nguyên tắc phòng bệnh tổng hợp và điều trị sớm bằng các loại thuốc trị ký sinh trùng.

leftcenterrightdel
 ThS. Vũ Đức Mạnh chia sẻ các thông tin liên quan đến bệnh đốm cá nheo mỹ
 

Ở nội dung tiếp theo, NCS. Nguyễn Văn Tuyến trình bày về chỉ thị sinh học và tồn dư của thuốc giảm đau trên tôm hùm đất (crayfish) trong môi trường tự nhiên tại khu vực sông Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Theo phân tích, đây không phải là sinh vật bản địa nhưng có sức sống mãnh liệt và đang tồn tại rất nhiều trong môi trường tự nhiên. Qua quá trình thu mẫu và phân tích các chỉ số sinh hóa, kết quả cho thấy tại các môi trường khác nhau, khả năng hấp thụ và ảnh hưởng của thuốc giảm đau tồn dư trong môi trường nước trên tôm hùm đất cũng có sự khác biệt (pH =6 và 8). Tuy nhiên một số thông số không có sự khác biệt về thống kê cho thấy tôm hùm đất cũng có khả năng tự chuyển hóa và cân bằng độc tố sau 4 ngày tiếp xúc. Tồn dư của thuốc giảm đau trong môi trường nước có cảnh hưởng xấu đến các sinh vật sống, đặc biệt là động vật thủy sản. Do vậy, cần hạn chế, kiểm soát hàm lượng của chất giảm đau trong nước thải y tế và sinh hoạt.

leftcenterrightdel
  NCS. Nguyễn Văn Tuyến trình bày về tồn dư thuốc, hóa chất trong môi trường

 

Tại phần thảo luận, ThS. Đoàn Thị Nhinh cho rằng đây là nghiên cứu rất có ý nghĩa đối với môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị phát triển các nghiên cứu theo định hướng ứng dụng thực tiễn và kết nối 2 ý tưởng trên trong thực hiện và quản lý NTTS khu vực phía Bắc của Việt Nam. Các ý kiến đóng góp và đề xuất của các nhà nghiên cứu là kênh thông tin cần thiết để người chăn nuôi, cơ quan quản lý tham khảo và xây dựng phương án NTTS hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhóm NCM Bệnh Thủy sản