Ngày 27 tháng 3 năm 2023, Khoa Kinh tế & PTNT đã tổ chức seminar với chủ đề Nghiên cứu một số mô hình tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Chủ đề được trình bày bởi TS. Lê Thị Long Vỹ, nhóm Nghiên cứu và Phát triển thị trường, dưới sự điều hành của PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Khoa Kinh tế và PTNT đã thu hút được sự quan tâm lắng nghe và thảo luận sôi nổi của các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT.

 

leftcenterrightdel
 

Tích tụ và tập trung ruộng đất là một tất yếu khách quan, tích tụ và tập trung ruộng đất khác nhau về cách thức tiến hành, quyền tài sản và một số tác động xã hội nhưng mục đích cuối cùng đều là tạo ra một diện tích đất đai quy mô lớn để có thể ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao hơn. Ở vùng ĐBSH cũng đã có các hình thức mua bán, chuyển nhượng, cho thuê đất đai giữa hộ với hộ; giữa hộ với công ty; giữa hộ với hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hình thành nên các mô hình sản xuất gia trại, trang trại, hợp tác xã ít người và công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu được thực hiện tại 3 tỉnh vùng ĐBSH bao gồm: tỉnh Hà Nam (huyện Lý Nhân), tỉnh Hải Phòng (huyện Vĩnh Bảo) và tỉnh Thái Bình (huyện Quỳnh Phụ). Phương pháp phỏng vấn sâu các mô hình sản xuất như hộ, trang trại, tổ hơp tác, liên kết hợp tác xã và công ty công nghệ cao để tìm ra các điểm thuận lợi, khó khăn và những thay đổi sau tích tụ và tập trung ruộng đất đến việc cơ cấu lại một số yếu tố đầu vào trong SXNN (đất NN, loại hình SX...). Kết quả cho thấy, tại 3 tỉnh nghiên cứu đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách định hướng, hướng dẫn, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia đẩy mạnh tích tụ và tập trung đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh lại có những cách làm khác nhau song cơ bản có được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương và thu hút được nhiều doanh nghiệp, công ty, trang trại, HTX, tổ hợp tác và hộ tham gia tích tụ đất hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Sự đa dạng của các loại hình tích tụ, dẫn đến sự đa dạng của các mô hình sản xuất trong nông nghiệp sau tích tụ. Các mô hình này mặc dù đã có những cách đi khác nhau trong tích tụ đất song đều xác định được hướng sản xuất đem lại kết quả kinh tế cao và đã có những chuyển biến tích cực trong thay đổi phương thức sản xuất đáp ứng tốt với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất này còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm diện tích đất, kéo dài thời gian thuê đất, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn... Tích tụ đất đã làm thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích cực như: Sắp xếp lại yếu tố đất đai, giảm số mảnh ruộng, đồng thời làm tăng đáng kể diện tích bình quân/mảnh; Thay đổi phương thức sản xuất theo hướng chuyên sâu, áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra sự phát triển theo hướng ngày càng phù hợp lợi thế của từng vùng, phù hợp với các chuẩn mực trong sản xuất.

Các ý kiến thảo luận xung quanh các xu hướng tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay; Hình thức tích tụ đất có triển vọng trong tương lai; Tính khả thi và lợi ích các bên tham gia tích tụ và tập trung ruộng đất;...

Lê Thị Long Vỹ – Khoa Kinh tế & PTNT