Chiều ngày 21/4/2025, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 4 với các chuyên đề sau:
Chuyên đề 1: "Hạt nảy mầm: phương pháp sản xuất và vai trò" do TS. Đinh Thị Hiền - Bộ môn Công nghệ chế biến trình bày.
Chuyên đề 2: "Ứng dụng của AI trong Công nghệ thực phẩm" do ThS. Phạm Quang Cảnh - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng trình bày.
Tham dự seminar có sự góp mặt của các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa Công nghệ thực phẩm. Các bài tham luận tại Seminar đã mang tới cho người nghe nhiều thông tin mới bổ ích trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao.
Sau mỗi bài trình bày, các nhà khoa học đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh từng chủ đề báo cáo.
    |
 |
Bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền |
Mở đầu bài trình bày của TS. Đinh Thị Hiền với chủ đề: Hạt nảy mầm: phương pháp sản xuất và vai trò. Các loại ngũ cốc có chứa gluten như: lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch vẫn được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Sự gia tăng các vấn đề sức khỏe liên quan đến gluten đã thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm không chứa gluten. Các loại hạt nảy mầm, bao gồm: quinoa, hạt điều, óc chó, macca, ngũ cốc và hạt họ đậu… là nguồn thực phẩm vô cùng quan trọng trong chế độ ăn của con người. Các phương pháp nảy mầm nâng cao chất lượng hạt nảy mầm như: kiểu gen và nguồn hạt, nảy mầm bằng sóng siêu âm, nảy mầm ở nhiệt độ thấp, điều chỉnh chế độ chiếu sáng, thay đổi môi trường nước ngâm, số các chất kích thích phi sinh học, sự kích thích oxy hóa… Hầu hết các loại ngũ cốc và đậu nảy mầm làm tăng hàm lượng đường, axit amin, vitamin cao và khoáng chất, cùng với những loại khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường sức khoẻ tổng thể cho cơ thể con người. Sản phẩm chế biến từ hạt nảy mầm có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh viêm ruột, một số bệnh ung thư, viêm khớp, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và các rối loạn tim mạch và thoái hóa thần kinh. Gạo lứt nảy mầm đã chứng minh được tiềm năng mạnh mẽ trong việc kiểm soát đường huyết tốt hơn, điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện stress oxy hóa, cũng như hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
    |
 |
Bài trình bày của ThS. Phạm Quang Cảnh |
Kết thúc chương trình là bài trình bày "Ứng dụng của AI trong Công nghệ thực phẩm" của ThS. Phạm Quang Cảnh, được chia thành ba phần chính, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về cách trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động và thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm.
Phần 1 giới thiệu về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, giải thích sự phát triển và ứng dụng của AI trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong ngành thực phẩm. Phần này cũng sẽ đề cập đến cách AI giúp tự động hóa các công đoạn sản xuất, giảm thiểu sự can thiệp của con người và tối ưu hóa quy trình, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần vào việc giảm thiểu lãng phí và tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Phần 2 đi sâu vào các ứng dụng cụ thể của AI trong công nghệ thực phẩm, bao gồm những lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chế biến thực phẩm, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, cũng như tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quản lý tồn kho. AI trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm giúp phân tích xu hướng tiêu dùng, khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng, từ đó tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe. AI còn giúp kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm qua việc giám sát quá trình sản xuất, phát hiện các khiếm khuyết hoặc nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo rằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng.
Phần 3 phân tích những thách thức khi ứng dụng AI trong ngành công nghiệp thực phẩm. Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai các giải pháp AI đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu dữ liệu chất lượng và thiếu sự đồng bộ trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu từ các quy trình sản xuất có thể làm giảm hiệu quả của AI. Ngoài ra, việc bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cũng là một thách thức lớn khi sử dụng AI, vì các công ty cần đảm bảo rằng dữ liệu nhạy cảm, đặc biệt là từ người tiêu dùng, được bảo vệ an toàn khỏi các mối đe dọa tấn công mạng.
Bài trình bày cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách AI đang thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm, từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến tối ưu hóa quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời đối mặt với các thách thức trong việc triển khai và ứng dụng AI trong ngành.
Các kết quả của nghiên cứu được trình bày trong chương trình Seminar không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong lĩnh vực thực phẩm.
Khoa Công nghệ thực phẩm