Ngày 20/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã tổ chức buổi seminar khoa học định kì. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.

Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Hoàng Thịnh về chủ đề: "“Sử dụng phương pháp PCR phát hiện một số loại thịt vật nuôi”. Mục đích chính của nghiên cứu này là xác định chính xác loại thịt trong thực phẩm là mối quan tâm của toàn xã hội nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Kết quả phản ứng PCR chỉ ra rằng, thịt bò, thịt lợn và thịt gà có các băng có kích thước đặc trưng cho từng loài lần lượt là 274bp, 398bp và 227bp; có thể xác định chính xác thành phần từng loại thịt vật nuôi ở mức pha loãng DNA thấp nhất là 0.16 ng/µl. Mẫu gộp giữa thịt bò và thịt lợn được phát hiện bởi hai băng có kích thước là 274 và 398bp; thịt bò và thịt gà bởi hai băng có kích thước 274 và 227bp; hai băng: 398bp (lợn) và 227bp (gà). Hỗn hợp 3 loại thịt được nhận diện bởi ba băng: 398bp (lợn), 274bp (bò) và 227bp (gà)

leftcenterrightdel
 

Tiếp theo, TS. Hoàng Anh Tuấn đã trình bày bài seminar với chủ đề: “Ảnh hưởng của việc bổ sung thảo dược đến năng suất thịt của gà Ri lai”. Bài trình bày đã nêu rõ xu hướng sử dụng các loại thảo dược sẵn có và rẻ tiền để thay thế kháng sinh trong thức ăn của vật nuôi là hướng đi được nhiều người quan tâm. Kết quả cho thấy việc bổ sung hỗn hợp thảo dược vào trong khẩu phần ăn đã làm tăng chất lượng màu sắc lông da và màu chân, giảm tỷ lệ chết, giảm thời gian điều trị đối với gà bị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, tăng tốc độ sinh trưởng của gà Ri lai F1 (Ri x Mía), giảm FCR một cách rõ rệt (p<0,05). Bổ sung ở mức 15 gam hỗn hợp thảo dược/1kg TA cho khả năng tăng khối lượng cao nhất, tỷ lệ và số ngày điều trị khỏi lần lượt là 100% và 2,5 ngày. Bổ sung hỗn hợp thảo dược đã làm tăng chất lượng cảm quan (độ ngọt, độ mềm và màu vàng của da) của thịt gà thí nghiệm. 

Sau bài chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Hoàng Thịnh và TS Hoàng Anh Tuấn, các thầy cô trong Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về khả năng phát triển của các giống cừu và giống lợn cũng như hiệu quả của các phép lai tạo con thương phẩm trong thực tiễn sản xuất.

Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi