Sáng nay ngày 9/8/2019 Khoa Kinh tế & PTNT đã tổ chức một buổi seminar học thuật. Khách mời chia sẻ trong buổi seminar là bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, chuyên gia kỹ thuật của tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
Bài trình bày của bà Khánh Hồng là một chủ đề hiện đang được chính phủ, các cơ quan bộ ngành, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cả người dân rất quan tâm đó là “Hiệp định thương mại tự do VN-EU: cơ hội và thách thức đối với Nông sản Việt”.
Tham dự trong buổi seminar là các giảng viên, nghiên cứu viên từ các Bộ môn trong khoa Kinh tế & PTNT, Khoa Kế toán & QTKD, các sinh viên trong chương trình tiên tiến ngành Kinh doanh nông nghiệp, chương trình Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao.
Thành viên tham dự buổi seminar đã được chia sẻ các thông tin mới nhất, được cập nhật một cách hệ thống và đầy đủ về hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) từ bối cảnh đàm phán, diễn biến đàm phán, các tác động tiềm năng, các cơ hội, thách thức và các khuyến nghị.
Đàm phán VEFTA được khởi động từ năm 2010 và sau 9 năm kiên trì đàm phán, đến 30/6/2019 hai hiệp định EVFTA và IPA được chính thức ký kết ở Hà Nội. Việc ký kết các hiệp định này đã mang lại nhiều cơ hội và tác động tiềm năng tích cực cho nông sản và ngành nông nghiệp của hai bên. Việt Nam và EU nâng cao hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và tạo cơ hội gia tăng đầu tư và thương mại trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Đối với nông sản Việt Nam, đây là một cơ hội lớn để gia nhập thị trường Châu Âu khi được hưởng các ưu đãi. Các chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam sẽ được công nhận và bảo hộ tại EU, tạo điều kiện cho nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại EU.
Tuy nhiên thách thức đặt ra cũng lớn đó là có thể các hàng rào phi thuế quan sẽ được nâng lên và hàng hóa sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn; Sản phẩm như sản phẩm từ chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn và có các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; Doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội. Áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất; Nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra; Trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản sẽ phải giảm xuống và tiến tới không áp dụng trợ cấp xuất khẩu.
Để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và vượt qua thách thức, rất cần sự chung tay của các bên có liên quan. Cơ quan có thẩm quyền cần tập trung tháo gỡ khó khăn vượt qua rào cản ATTP của các thị trường XK các SP trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản tại EU; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới; Các doanh nghiệp nông nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA, nắm vững cam kết của VN và EU, đặc biệt về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Hội thảo đã nhận được sự chia sẻ rất sôi nổi của giảng viên và sinh viên, đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của con người trong việc nắm bắt các cơ hội và giải quyết các nguy cơ thách thức cho nông sản Việt trong quá trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Kết thúc buổi seminar, thay mặt Ban chủ nhiệm khoa Kinh tế & PTNT, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền cảm ơn bà Khánh Hồng đã tới chia sẻ thông tin và mong sẽ tiếp tục sẽ có các hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
Buổi Seminar không chỉ đạt được mục tiêu cập nhật, chia sẻ thông tin mà còn là dịp mỗi người Việt Nam cần nhận thức một cách rõ ràng các nguy cơ và thách thức của nông sản Việt và cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của đất nước và của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Seminar