Seminar: Digital PCR trong nghiên cứu sinh học phân tử thế hệ mới
Cập nhật lúc 14:03, Thứ ba, 25/04/2023 (GMT+7)
Trong khuôn khổ hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi. Ngày 21 thang 04 năm 2023 nhóm đã mời chuyên gia của hãng Qiagen trình bày về thế hệ qPCR thế hệ mới (digital PCR). Tham dự buổi seminar có sự góp mặt của các thầy cô giảng viên trong nhóm nghiên cứu mạnh, sinh viên Khoa Chăn nuôi ngoài ra còn có sự tham gia của thầy/cô của khoa Công nghệ Sinh học, khoa Thú y và Viện Chăn nuôi.
Real time PCR là phương pháp định lượng có nhiều ưu điểm nhờ sử dụng sự phát huỳnh quang nên cho phép đo lượng sản phẩm khuyếch đại tích lũy khi phản ứng diễn ra. Tuy nhiên, Real-time PCR (hoặc qPCR) chỉ cho phép định lượng một cách tương đối, và những thay đổi trong hiệu suất khuyếch đại có thể ảnh hưởng đến kết quả của qPCR.
Hệ thống Digital PCR là một công nghệ mới với nhiều tiềm năng ứng dụng trong các nghiên cứu về sinh học phân tử thế hệ mới. Theo chuyên gia của QIAGEN, Digital PCR được xây dựng trên cơ sở PCR truyền thống và phương pháp phát hiện dựa vào đầu dò huỳnh quang để cung cấp khả năng định lượng tuyệt đối nucleic acid với độ nhạy cao mà không cần sử dụng đường cong chuẩn. Hệ thống Digital PCR sử dụng nanoplates có quy trình làm việc tương tự như qPCR nhưng có tích hợp các bước chia nhỏ mẫu, chu trình nhiệt và chụp ảnh trong một thiết bị độc lập và hoàn toàn tự động nên quy trình làm việc nhanh gọn và đơn giản. Như vậy, hệ thống Digital PCR có nhiều tính năng và lợi ích và có thể thay thế qPCR để trở thành một phương pháp để định lượng axit nucleic mục tiêu với công suất cao và độ nhạy tốt hơn.
Các thành viên của nhóm nghiên cứu và các khách mời đã thảo luận sôi nổi để hiểu rõ hơn về những ưu điểm, nhược điểm và khả năng ứng dụng của Digital PCR trong các nghiên cứu sinh học phân tử thế hệ mới. Hy vọng trong thời gian tới, Digital PCR sẽ được sẽ ứng dụng rộng rãi hơn trong các nghiên cứu về giống và công nghệ chăn nuôi tại Học viện.
Nhóm Nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ Chăn nuôi