Chiều 14/11/2022 đã diễn ra buổi trình bày seminar của giảng viên, ThS Bùi Văn Quang, thành viên nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường với chủ đề “Đặc điểm tiêu dùng thịt bò của các hộ gia đình tại tỉnh Điện Biên”. Buổi seminar diễn ra với sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Văn Song và sự tham gia của đông đảo các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.
Mở đầu bài trình bày tác giả đã cho thấy thu nhập của hộ tăng dẫn tới nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc động vật ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2000 – 2018 GDP của Việt Nam tăng trung bình khoảng 5% - 7% cùng với đó mức tăng trưởng trung bình hàng năm đối với thịt bò, lợn và gia cầm lần lượt là 7,3%, 5,6% và 7,6%. Thịt lợn là thực phẩm được tiêu thụ chính tuy nhiên có sự thay đổi về tỷ lệ tiêu thụ cụ thể tỷ trọng thịt lợn giảm từ 62% xuống còn 57%, ngược lại tiêu thụ thịt bò tăng từ 5,6% lên 8,3%. Trong khi đó, sản lượng thịt bò trong nước tương đối thấp, bình quân 4,5kg/người dẫn đến thịt bò nhập khẩu giai đoạn 2013 – 2018 ở mức trung bình 22%. Như vậy, tiêu dùng thịt bò có xu hướng tăng, từ đó đặt ra yêu cầu cho việc chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trên.
|
|
ThS Bùi Văn Quang trình bày và các đại biểu tham dự seminar |
Kết quả nghiên cứu cho thấy chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Điện Biên góp phần quan trọng phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời chăn nuôi bò thịt đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại tỉnh. Tuy nhiên, thông tin về nhu cầu, sở thích và hành vi tiêu dùng thịt bò tại tỉnh còn hạn chế dẫn tới người sản xuất, giết mổ và các tác nhân thương mại không có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng thịt bò sẽ góp phần cung cấp thông tin cho các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt bò tại tỉnh, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng từ đó tăng giá trị cho chuỗi.
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp số minh chứng nổi bật. Các loại thịt bò được tiêu dùng nhiều nhất là thịt bắp, thịt thăn và thịt ba chỉ với tỷ lệ lần lượt là 67%, 55% và 23%. Số lần mua thịt hàng tháng trung bình của hộ là gần 6 lần với địa điểm mua hàng chủ yếu là tại chợ chiếm tới gần 90%. Trong các chỉ tiêu chọn khi mua hàng thì mối quan hệ với người bán và chất lượng thịt là 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới quyết định mua hàng của hộ. Nhận biết về thịt bò an toàn của hộ chủ yếu dựa trên đánh giá chỉ quan về màu sắc và mùi khi mua.
Sau phần trình bày của ThS. Bùi Văn Quang, các thầy cô, đại biểu tham gia đã thảo luận chia sẻ xung quanh các vấn đề về nội dung nghiên cứu, ý nghĩa của nghiên cứu và các góp ý giúp nghiên cứu hoàn thiện hơn.
Buổi seminar là một hoạt động định kỳ, thường xuyên giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ và sinh viên của định kỳ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên của Khoa và Học viện./.
Bùi Văn Quang, Nhóm NCM Liên kết kinh tế và phát triển thị trường