Chiều ngày 24/10/2022, tại Phòng 405, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, đã diễn ra Seminar với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản phẩm du lịch” của ThS. Thái Thị Nhung thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường. Chủ trì buổi seminar là TS. Phạm Thanh Lan, Trưởng Bộ môn Kinh tế tài nguyên môi trường. Ngoài ra, còn có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó Khoa Kinh tế & PTNT cùng đông đảo các thầy cô giáo và cán bộ nghiên cứu trong Khoa.

leftcenterrightdel
 ThS. Thái Thị Nhung trình bày seminar

Chủ đề bài trình bày là một chủ đề mang tính thời sự hiện nay ở các địa phương nơi có tài nguyên du lịch đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19. Đây cũng là một phần nội dung trong đề tài luận án mà tác giả đang thực hiện. Tác giả cho biết, phát triển sản phẩm du lịch là định hướng chiến lược của nhiều địa phương, quốc gia và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu như hiện nay. Do đó, các tổ chức du lịch phải thường xuyên quan tâm đến quá trình phát triển sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Mục tiêu của bài trình bày là: (i) Góp phần hệ thống hóa và làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản phẩm du lịch; (ii) Chỉ ra khoảng trống nghiên cứu; và (iii) Rút ra một số bài học kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch.

leftcenterrightdel
 ThS. Thái Thị Nhung trình bày seminar
  

Tác giả đã làm sáng tỏ được những khái niệm cơ bản về du lịch, du khách, phát triển sản phẩm du lịch cũng như đặc điểm, vai trò, nội dung và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm du lịch. Nghiên cứu tổng quan và thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch trên thế giới và Việt Nam đã chỉ ra cần thiết phải phát triển sản phẩm du lịch về cả số lượng và chất lượng. Trong đó, số lượng sản phẩm du lịch thể hiện thông qua sự gia tăng chủng loại, loại hình và các sản phẩm du lịch. Về khía cạnh chất lượng, với các đặc tính của sản phẩm du lịch như tính vô hình, tính đồng thời của sản xuất và tiêu dùng, tính không chuyển đổi quyền sở hữu, tính không thể di chuyển, tính mùa vụ, và tính không đồng nhất,… thì việc đánh giá được chất lượng sản phẩm du lịch là rất khó vì thường mang tính chủ quan và phần lớn phụ thuộc vào khách du lịch chứ không phải phụ thuộc vào người kinh doanh. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước đây, tác giả cũng đưa ra 8 chỉ tiêu đo lường kết quả và hiệu quả phát triển sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, với việc tổng kết các bài học kinh nghiệm liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch ở một số quốc gia trên thế giới và các địa phương điển hình ở Việt Nam, tác giả đã rút ra được 6 bài học kinh nghiệm cho việc phát triển sản phẩm du lịch tại địa bàn nghiên cứu.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự seminar tại Khoa Kinh tế và PTNT

Các thành viên tham dự buổi seminar đã tích cực chia sẻ, trao đổi và thảo luận về các vấn đề phát triển sản phẩm du lịch và đóng góp ý kiến cho tác giả. Cụ thể, một số đại biểu cho rằng, việc phát triển sản phẩm du lịch cần gắn với việc trả lời câu hỏi “ai là chủ thể nghiên cứu?” bởi sản phẩm du lịch không giống với các sản phẩm thông thường mà ở dạng vô hình và hữu hình, gắn với tài nguyên du lịch. Khách du lịch thường trải nghiệm sản phẩm du lịch bằng việc trải nghiệm một chuỗi các sản phẩm trong lộ trình chuyến đi của họ và các sản phẩm là khác nhau. Đồng thời, trong các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm du lịch, tác giả nên xem xét thêm yếu tố đầu tư công bởi nếu thiếu sự đầu tư công vào cơ sở hạ tầng của Nhà nước thì việc xây dựng các sản phẩm du lịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó khả thi. Một số ý kiến khác xoay quanh việc làm rõ hơn nội hàm của sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và nội dung nghiên cứu sản phẩm du lịch.

Buổi seminar kết thúc vào 15h30 cùng ngày.

Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên môi trường