Chiều ngày 03 tháng 03 năm 2023, Nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội nông thôn đã thực hiện seminar chuyên gia với chủ đề “Ý nghĩa của các nghiên cứu xã hội: Bối cảnh văn hoá tác động thế nào đến sản xuất, phân phối gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật”  (The significance of the social research: How cultural context impacts poultry production, distribution, and zoonoses?). Chuyên gia trình bày Tiến sĩ Nhân chủng học: Eve Houghton - Đại học Thú y Hoàng gia London.

Tham dự buổi seminar có ThS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội, PGS TS Nguyễn Thị Diễn - Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Cấu trúc xã hội nông thôn, Khoa Khoa học xã hội cùng với giảng viên, các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh tham dự. Buổi seminar được thực hiện là một phần của kết quả nghiên cứu của dự án One Health Poultry Hub (OneChick)– Gia cầm một sức khỏe. Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UKRI) thông qua Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF). Dự án này được triển khai từ tháng 3 năm 2019 và sẽ kéo dài trong 5 năm. Mục tiêu tổng quát của Dự án liên ngành này là nghiên cứu đưa ra những kiến nghị để xây dựng chính sách liên quan đến chăn nuôi gia cầm tập trung nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với thịt và trứng gia cầm ở các nước đang phát triển, đồng thời giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, nâng cao phúc lợi của người và gia cầm. Mục tiêu chung của dự án bao gồm: Xác định các mối liên hệ đặc biệt giữa hành vi kinh tế xã hội của con người với sự tiến hóa của mầm bệnh và sự lây truyền dịch bệnh; Xác định các điểm có nguy cơ cao trong chuỗi giá trị gia cầm và mạng lưới chăn nuôi gia cầm; Kiểm tra và đánh giá các biện pháp can thiệp. Dự án được thực hiện ở 04 nước Bangladesh, Ấn độ (Tamil Nadu và Gujarat), Sri Lanka và Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học xã hội là một hợp phần quan trọng của dự án nằm trong chương trình nghiên cứu P1: con người, gia cầm và chăn nuôi. Trọng tâm của các nghiên cứu khoa học xã hội trong dự án nhằm mô tả mạng lưới sản xuất và phân phối gia cầm ở 4 quốc gia; Đánh giá sự biến động và dịch chuyển gia cầm trong chuỗi; Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố của trang trại và chuỗi giá trị; Xác định vai trò chủ chốt của chuỗi giá trị, mối liên hệ và hành vi có ý nghĩa dịch tễ tiềm tàng; Đánh giá tác động của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội đến các hành vi có ý nghĩa dịch tễ tại các điểm nghiên cứu; và xác định tác động của người bán lẻ, nhu cầu tiêu thụ và sở thích của người tiêu dùng. Các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của khoa học xã hội đã được sử dụng để hiểu sâu sắc về các thực hành của các tác nhân trong mạng lưới sản xuất và phân phối gia cầm đồng thời nhấn mạnh bối cảnh kinh tế văn hoá xã hội đã tác động đến các thực hành này.

Nằm trong khuôn khổ của Dự án nghiên cứu, Tiến sĩ  Eve Houghton tại buổi seminar đã cung cấp những kiến thức hữu ích về yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng đến thói quen tiêu thụ, chăn nuôi gia cầm (cụ thể là gà) và các bệnh lây truyền được so sánh ở hai quốc gia Việt Nam và Bangladesh. Về hoạt động kinh doanh gia cầm, Việt Nam có nhiều trang trại độc lập sản xuất kinh doanh gia cầm hơn so với Bangladesh, các trang trại tại Việt Nam thường đa dạng nhiều nguồn thu nhập (nuôi nhiều loại gia cầm, hoặc nhiều vật nuôi khác nhau). Trong khi đó tại Bangladesh, đa số người dân theo đạo Hồi nên sản phẩm gia cầm (gà) được đánh giá có vai trò quan trọng hơn tại Việt Nam (thịt lợn được tiêu thụ phổ biến hơn). Đánh giá về chất lượng gà của Việt Nam và Bangladesh cũng khác nhau. Trong khi ở thị trường tiêu thụ Việt Nam chủ yếu ưa chuộng tiêu thụ gà màu, thịt dai, gà nóng, gà lông và chú trọng đến hình thức bề ngoài của con gà thì ở Bangladesh người tiêu dùng lại thích gà trắng, thịt mềm, trọng lượng nhỏ hơn. Thời gian nuôi gà ở hai nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam gà màu nuôi trong khoảng 90-105 ngày (gà đạt trọng lượng 2kg), gà trắng nuôi 45 ngày (đạt trọng lượng 3kg) thì ở Bangladesh thời gian nuôi ngắn hơn: gà màu nuôi 70 ngày (đạt trọng lượng 1kg), gà trắng 30 ngày (đạt trọng lượng 1.8 kg). Những khác biệt này có liên quan chặt chẽ đến các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; định hình hành vi của người sản xuất và phân phối gia cầm và do đó có ý nghĩa dịch tễ học to lớn.

TS Eve Houghton cũng nhấn mạnh những nhân tố tác động tới nguy cơ nảy sinh dịch bệnh từ gia cầm như thời gian nuôi, cách thức sản xuất kinh doanh, sở thích nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, vốn vay và các quan hệ tài chính trong sản xuất kinh doanh gia cầm và sự đa dạng của nguồn thu nhập; nguy cơ dịch bệnh lây truyền từ nhiều vật nuôi khác nhau…

Một số hình ảnh tại buổi Seminar chuyên gia nhóm Cấu trúc xã hôi nông thôn, khoa khoa học Xã hội:

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nhân chủng học Eve Houghton - Đại học Thú y Hoàng gia London trình bày tại buổi seminar
leftcenterrightdel
Tiến sĩ  Eve Houghton - chia sẻ thảo luận cùng các thành viên tham dự tại seminar 
leftcenterrightdel
Các thành viên tham dự thảo luận tại seminar 
                

Kết thúc buổi seminar PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn đã thay mặt nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội Nông thôn, Khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Nhân chủng học Eve Houghton -  Đại học Thú y Hoàng gia London. Bên cạnh đó PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn cũng nhấn mạnh sự tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học của chuyên gia với nhóm nghiên cứu cũng như Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội nông thôn, khoa Khoa học Xã hội