Ngày 13/6/2025, tại Khoa Khoa học Xã hội, Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn” đã tổ chức buổi seminar chuyên gia với sự tham gia trình bày của hai diễn giả: Tiến sĩ Sriteja Reddy Wudaru từ Đại học Thành phố Dublin và nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Minh từ Đại học Tự do Bruxelles. Buổi seminar có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Diễn – Trưởng nhóm nghiên cứu, cùng các thành viên trong nhóm.

Tiến sĩ Sriteja Reddy Wudaru hiện là giảng viên tại Trường Kinh doanh, Đại học Thành phố Dublin (Dublin City University - Business School), chuyên ngành Đổi mới bền vững. Ông là thành viên của nhóm nghiên cứu đặc biệt về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) thuộc Viện Kinh doanh và Xã hội của trường. Bài thuyết trình của tiến sĩ có tiêu đề "Nhìn này, mắt tôi vẫn còn nguyên vẹn": phá vỡ những cấm kỵ xã hội về cơ thể phụ nữ.

Dựa trên công trình nghiên cứu của mình, bài thuyết trình đề cập đến một vấn đề dai dẳng và phổ biến: những cấm kỵ xoay quanh kinh nguyệt. Đây không phải là một hiện tượng đã lỗi thời, mà trái lại, vẫn tồn tại mạnh mẽ ở nhiều nơi. Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt và máu kinh thường bị cho là “ô uế” hoặc “làm ô nhiễm” người và vật. Niềm tin này dẫn đến nhiều thực hành mang tính kỳ thị và hạ thấp nhân phẩm, chẳng hạn như kiêng quan hệ tình dục, kiêng ăn một số món, không được tham gia việc nhà, không được đụng vào thức ăn hay cây cối, dẫn đến tình trạng bị loại trừ khỏi đời sống xã hội.

Một ví dụ cực đoan là tục lệ Chhaupadi ở Nepal, trong đó phụ nữ có kinh bị buộc phải sống trong chuồng gia súc ngoài nhà, dù tập tục này đã bị pháp luật cấm. Máu kinh nguyệt cũng bị gán những niềm tin sai lệch như được dùng để “yểm bùa”, khiến phụ nữ cảm thấy xấu hổ, sợ hãi và lo âu.

Thông qua nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Sriteja phát hiện những cấm kỵ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống phụ nữ, đặc biệt làm gia tăng nghèo đói do kinh nguyệt và bất bình đẳng giới. Nghèo đói do kinh nguyệt được thể hiện qua việc chi phí và khả năng tiếp cận sản phẩm vệ sinh rất hạn chế. Hệ quả là:

·    Tại Kenya, 65% phụ nữ bị buộc phải đổi tình dục lấy sản phẩm vệ sinh.

·    Ở Nigeria, 25% phụ nữ không có không gian riêng tư, dễ bị quấy rối tình dục, dẫn đến việc họ bỏ học.

·    Tại Mỹ và Anh, lần lượt 1 trong 5 và 1 trong 10 nữ sinh nghỉ học vì không có sản phẩm vệ sinh.

Ngoài ra, trong nhiều gia đình có thu nhập thấp, đàn ông thường là người quyết định việc chi tiêu, và việc mua sản phẩm vệ sinh bị coi là chuyện “bẩn thỉu, đáng xấu hổ”. Điều này còn ảnh hưởng đến năng suất làm việc và vị thế của phụ nữ, đặc biệt là những người ở vị trí lãnh đạo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục. Tỷ lệ bỏ học ở nữ sinh tăng cao khi bước vào tuổi dậy thì. Những lý do liên quan đến kinh nguyệt thường bị xem nhẹ. Trong một số trường tư tại Nepal, Malawi, Kenya và Uganda, có đến 50% đến 90% nữ sinh nghỉ học trong kỳ kinh – tỷ lệ này có thể còn cao hơn ở các cộng đồng thu nhập thấp. Nhiều nữ sinh dù đến lớp vẫn mất tập trung do sợ bị phát hiện vết máu bởi bạn học nam. Sự kỳ thị kinh nguyệt, hiện diện cả ở các nước giàu lẫn nghèo, vừa bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, vừa làm trầm trọng thêm vấn đề này, khiến nữ giới mất tự tin và hạn chế cơ hội phát triển.

Tiến sĩ Sriteja cũng khảo sát các nhà hoạt động xã hội và tổ chức đang cố gắng xóa bỏ những cấm kỵ này. Ông nhấn mạnh vai trò của không gian công cộng, đặc biệt là trường học. Nhiều tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xã hội đã triển khai các chương trình giáo dục toàn diện về kinh nguyệt, sức khỏe và nghèo đói do kinh nguyệt ngay tại trường. Việc đưa học sinh nam vào chương trình được xem là then chốt, bởi các em trai thường cười nhạo bạn gái trong kỳ kinh.

Một hướng tiếp cận triển vọng khác là mô hình kinh doanh do phụ nữ dẫn dắt tại nông thôn. Những mô hình này cung cấp máy sản xuất băng vệ sinh giá rẻ, thuê phụ nữ địa phương sản xuất và phân phối, qua đó giúp họ có thu nhập. Đồng thời, đây còn là nơi phụ nữ có thể trao đổi, nâng cao nhận thức, phá vỡ sự im lặng. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn gặp nhiều thách thức do cấm kỵ kinh nguyệt ăn sâu trong các chuẩn mực văn hóa và hệ thống gia trưởng, đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ các “người gác cổng văn hóa” để các tổ chức hoạt động hiệu quả. Dẫu vậy, mô hình “doanh nhân từ cấm kỵ” này có thể mang đến giải phóng quyền lực kinh tế, biến người bị kỳ thị thành người tiên phong thay đổi.

Buổi thuyết trình diễn ra rất sôi nổi, với nhiều cuộc trao đổi học thuật giữa Tiến sĩ Sriteja và các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm đến văn hóa và mức độ cởi mở của người Việt Nam về kinh nguyệt và các vấn đề tương tự. Các thảo luận xoay quanh phương pháp nghiên cứu, phát hiện từ dự án, cũng như các góp ý và quan điểm phản hồi từ giảng viên VNUA đối với bài trình bày.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Sriteja trình bày tại seminar

Nguyễn Văn Minh là một nhà nhân học văn hóa, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do Bruxelles (Université Libre de Bruxelles), Bỉ. Với bài thuyết trình “Quyền đối với thành phố: những cách ứng xử phi chính thức với quy định về di chuyển ở đô thị Việt Nam”, anh tập trung vào việc phân tích cách người trẻ ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng xe máy để khẳng định quyền được sống, di chuyển và gắn bó với thành phố, thông qua những cách sử dụng không gian sáng tạo, linh hoạt, làm mờ ranh giới giữa không gian công cộng và riêng tư.

Anh cho rằng, hệ thống giao thông không chỉ là hạ tầng kỹ thuật trung lập, mà thực chất còn là một công cụ tái tạo bất bình đẳng xã hội. Dựa trên các lý thuyết về di chuyển đô thị, anh chỉ ra rằng cách con người lựa chọn phương tiện đi lại vừa phản ánh, vừa góp phần tạo ra sự phân tầng trong xã hội. Người giàu, có thể mua ô tô, thường di chuyển trong “bong bóng” riêng biệt, mát mẻ, dễ dàng tiếp cận các không gian cao cấp của thành phố. Ngược lại, những người phụ thuộc vào xe máy hay phương tiện công cộng thì phải đối mặt với nhiều khó khăn như: quy định kiểm soát gắt gao, hạn chế không gian đi lại, và sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng – khiến họ bị cản trở trong việc tiếp cận cơ hội và không gian đô thị, đồng thời dễ bị gạt ra bên lề xã hội.

Tuy vậy, người trẻ ở TP. Hồ Chí Minh vẫn có những chiến lược khéo léo để thích nghi và vượt qua các rào cản này. Trong nghiên cứu của anh, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn trở thành một “không gian riêng di động” – nơi các cặp đôi có thể tâm sự, hẹn hò trong những chuyến rong ruổi trên đường; nơi bạn bè có thể nói chuyện thoải mái về những chủ đề nhạy cảm mà không thể thảo luận ở nơi đông người. Nhiều người còn chia sẻ rằng việc lái xe máy mang lại cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng, như một liệu pháp tinh thần giúp họ giải tỏa áp lực cuộc sống. Ngoài ra, việc đỗ xe ở lề đường và ngồi tạm trên yên xe cũng tự nhiên hình thành các “không gian tụ họp”, nơi người ta trò chuyện, nghỉ ngơi – điều này cho thấy khả năng thích nghi linh hoạt và sáng tạo trong cách sử dụng không gian sống hàng ngày.

Những thực tiễn này cũng phản ánh mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách quản lý giao thông đô thị. Từ những năm 2000, chính quyền đã có các biện pháp hạn chế xe máy, như giới hạn đăng ký xe mới, và gần đây là đề xuất cấm xe máy lưu thông tại các quận trung tâm vào năm 2030. Tuy nhiên, những chính sách này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân, nhất là những người phụ thuộc vào xe máy để mưu sinh.

Về phương pháp nghiên cứu, Minh đã phát triển cách tiếp cận gọi là “nhân học xe máy” – tức là cùng tham gia các hành trình bằng xe máy với người tham gia nghiên cứu để quan sát và trò chuyện trực tiếp. Cách làm này giúp anh tiếp cận những trải nghiệm khó nắm bắt bằng các phương pháp khảo sát truyền thống vốn chỉ diễn ra tại những địa điểm cố định như nhà ở, quán cà phê hay trung tâm cộng đồng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gặp phải một số hạn chế: các yếu tố giới khiến anh khó tiếp cận một số người tham gia nữ, việc di chuyển liên tục khiến không thể ghi chép đầy đủ ngay lúc đó, buộc phải hồi tưởng và ghi lại sau hành trình; điều kiện an toàn cũng ảnh hưởng đến độ sâu của các cuộc trò chuyện. Dù vậy, cách tiếp cận này vẫn giúp Minh nắm bắt được những tương tác xã hội diễn ra trong khi di chuyển – một phần rất quan trọng của đời sống đô thị tại TP. Hồ Chí Minh – mà các phương pháp truyền thống khó phát hiện.

Những phát hiện từ nghiên cứu của Minh thách thức các giả định quen thuộc trong quy hoạch đô thị, vốn thường cho rằng người dân chỉ là đối tượng thụ động thực hiện chính sách. Ngược lại, người trẻ ở TP. Hồ Chí Minh đang chủ động tái tạo không gian sống của họ, sử dụng những cách thức sáng tạo để tồn tại và phát triển trong thành phố. Xe máy, với chi phí thấp và khả năng linh hoạt, giúp ngay cả người thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận không gian đô thị, khẳng định sự hiện diện và quyền được sống trọn vẹn trong thành phố. Những hành động nhỏ, lặp đi lặp lại mỗi ngày – như đi dạo, ngồi nghỉ, trò chuyện trên xe máy – chính là những biểu hiện của quyền đô thị, của sự phản kháng âm thầm nhưng mạnh mẽ trước các rào cản chính sách. Qua đó, anh cho thấy rằng các thành phố Việt Nam hiện đại không ngừng được định hình lại bởi chính những hành động thường ngày của người dân.

leftcenterrightdel
 Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Minh (ngoài cùng bên trái) trao đổi, thảo luận cùng nhóm nghiên cứu mạnh cấu trúc xã hội nông thôn

Các thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn” đánh giá cao hai báo cáo khoa học được trình bày bởi Tiến sĩ Sriteja Reddy Wudaru và Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Minh. Cả hai báo cáo đều tiếp cận các vấn đề xã hội đương đại từ những lát cắt đời sống thường nhật, với trọng tâm là bất bình đẳng giới, không gian đô thị và các hình thức di chuyển phi chính thức. Những phân tích về cách phụ nữ đối mặt với cấm kỵ kinh nguyệt trong không gian công cộng, cũng như cách người trẻ sử dụng xe máy như một phương tiện tạo lập không gian sống, đã cho thấy tầm quan trọng của các hành vi thường nhật trong quá trình vận hành và tái cấu trúc các quan hệ xã hội. Kết thúc buổi seminar, PGS.TS Nguyễn Thị Diễn đã gửi lời cảm ơn chân thành tới hai diễn giả và bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai, hướng đến việc phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành và mở rộng mạng lưới học thuật quốc tế.

leftcenterrightdel
 Các thành viên nhóm “Cấu trúc xã hội nông thôn” và hai diễn giả chụp ảnh lưu niệm

Nhóm NCM Cấu trúc xã hội nông thôn