Sáng ngày 13/6/2024, Nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội nông thôn đã thực hiện Seminar chuyên gia với chủ đề “The linkage between air pollution and animal feed in Thailand, Laos and Myanmar” (Mối liên hệ giữa thức ăn chăn nuôi và ô nhiễm không khí tại Thái Lan, Lào và Myanma) do Tiến sĩ Danny Marks – Chuyên gia chính sách và chính trị môi trường của Đại học Dublin City, Ireland trình bày. Tham dự buổi Seminar có Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Khoa học xã hội cùng các giảng viên là thành viên nghiên cứu của nhóm.

Dựa trên Khung lý thuyết sinh thái chính trị về mối liên hệ giữa sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát thải carbon và biến đổi khí hậu, nghiên cứu của TS. Danny tập trung tại ba quốc gia Thái Lan, Lào và Myanma, nơi các tác động sinh thái từ thức ăn chăn nuôi đã bị “phi chính trị hóa” bởi các chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Nghiên cứu đã phát triển lý thuyết “chủ nghĩa thực dân carbon” (carbo colonialism), trong đó nhấn mạnh sự bất cân xứng về quyền lực trong chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi và sự bắt tay “ngầm” giữa các công ty lớn với các chính trị gia đã khiến các tác động về môi trường phát sinh từ lĩnh vực này nằm ngoài tầm kiểm soát.

Tại seminar, TS. Danny đã trao đổi những kết quả nghiên cứu đã đạt được tại Thái Lan và Lào. Tại Thái Lan, khoảng 65% đến 70% hộ nông dân trồng ngô do chính sách ưu đãi, khuyến khích của chính phủ từ đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, ước tính khoảng 80% nông dân xử lý phụ phẩm sau thu hoạch bằng biện pháp đốt do đây là biện pháp rẻ tiền. Bên cạnh đó, quá trình mở rộng diện tích đất trồng ngô của các hộ nông dân đi liền với hành vi chặt phá rừng, dẫn tới suy giảm nghiêm trọng diện tích rừng. Hệ lụy xảy ra là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng và đặc biệt gia tăng khí nhà kính. Điều đáng lưu ý là người nông dân không thể chuyển sang sinh kế khác vì nhiều nguyên nhân khác nhau: do nợ nần, do không có quyền sử dụng đất nên không có động lực đầu tư cải tạo đất để chuyển sang loại cây trồng khác... Tuy nhiên, nguyên nhân lớn chính là sự thao túng chuỗi cung ứng của các công ty thức ăn chăn nuôi tại Thái Lan với sự hậu thuẫn từ phía chính phủ. Với nhu cầu tiêu dùng thịt ngày càng tăng, “chủ nghĩa thực dân carbon” từ Thái Lan đã mở rộng ra các quốc gia châu Á khác có nguồn nhân công rẻ hơn, bản thân người tiêu dùng cũng không nhận thức được một cách đầy đủ về “nguồn gốc ô nhiễm” của sản phẩm thịt mình đang tiêu thụ. Với quốc gia nghiên cứu thứ hai là Lào, ô nhiễm khí nhà kính từ thức ăn chăn nuôi không chỉ do trồng ngô mà còn từ các nguồn lớn khác như trồng sắn (do đốt rẫy lấy mặt bằng để chuyển sang trồng sắn) và trồng cỏ nuôi bò (đốt rẫy làm đồng cỏ). Sự bất tương thích giữa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe của con người và mục tiêu chuyển đổi kinh tế nông thôn khiến chính quyền địa phương khó đưa ra những quyết sách phù hợp để có thể hài hòa cả hai mục tiêu này.

Để có hướng đi phù hợp cho tương lai, TS. Danny đã chia sẻ một số khuyến nghị: Nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, tác động của ô nhiễm không khí, bao gồm cả việc hướng dẫn họ đọc và hiểu các thông số ô nhiễm; phát triển các trạm quan trắc không khí; cung cấp thêm nhiều dữ liệu và nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau; xem xét chuyển sang các loại cây trồng thay thế; nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia... Các thành viên tham gia seminar đã cùng trao đổi và liên hệ với kinh nghiệm của Việt Nam để có thể tìm ra những giải pháp khả thi trong bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị phù hợp.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Danny chia sẻ thảo luận cùng các thành viên tham dự tại Seminar 
leftcenterrightdel
Các thành viên tham dự thảo luận tại Seminar 

Kết thúc buổi seminar, Th.S Nguyễn Thị Thu Hà đã thay mặt nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội Nông thôn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi lời cảm ơn đến TS Danny. Bên cạnh đó Th.S Nguyễn Thị Thu Hà cũng mong muốn tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học giữa chuyên gia với nhóm nghiên cứu cũng như Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhóm NCM Cấu trúc xã hội Nông thôn – Khoa Khoa học xã hội