Ngày 26 tháng 12 năm 2022, nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường, Khoa Kinh tế và PTNT đã tổ chức Seminar với chủ đề Chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn: Cơ hội và Thách thức. Đây là một chủ đề mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với ba trụ cột: Kinh tế số - Chính quyền số - Xã hội số. TS.Nguyễn Hữu Nhuần đã trình bày bài seminar, dưới sự chủ tọa của PGS.TS. Phạm Văn Hùng cùng với sự tham gia và thảo luận sôi nổi của các giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT.

leftcenterrightdel

Chuyển đổi số góp phần phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam

Nguồn ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn thế giới. Cùng với đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng toàn cầu góp phần chuyển đổi căn bản hệ thống nông sản, thực phẩm ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bài trình bày đã tập trung phân tích một số vấn đề lý luận về nông nghiệp số, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát hiện những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức cho phát triển nền nông nghiệp số Việt Nam, từ đó đề xuất một số định hướng và hàm ý chính sách phát triển nền nông nghiệp số ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có nhiều điều kiện tiền đề thuận lợi cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong quá trình số hóa nền nông nghiệp. Những cơ hội đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn, mở ra cơ hội quý giá cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ với các tiềm năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh nông sản. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta trong những năm gần đây cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường thế giới rộng mở đi kèm với sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu tiêu dùng theo hướng giảm ngũ cốc, tăng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả chất lượng cao; giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô giá rẻ, tăng tiêu thụ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu và các sản phẩm cao cấp là cơ hội lớn cho ngành sản xuất nông sản theo chuỗi khép kín – chiến lược trọng tâm trong phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Hữu Nhuần trình bày seminar cùng các giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT

Bài trình bày cũng nêu lên các thách thức đối với với chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Các hiệp định thương mại thế hệ đặt ra những yêu cầu khắt khe về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rào cản lớn đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong nước. Hơn nữa, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu cao về khả năng tiếp thu công nghệ của nông dân – vốn là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Mặt khác, khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, lao động ở khu vực nông thôn sẽ bị dư thừa và làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa giàu và nghèo, gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Trong khi đó, nền nông nghiệp số đòi hỏi rất cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn.

Dựa trên phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi số, diễn giả đã nêu bật tính cấp thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số thành công nền nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững. Diễn giả nhấn mạnh, các giải pháp cần dựa trên cơ sở nhất quán chủ trương: cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Đồng thời quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán khi triển khai, có một cơ quan điều phối chung là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò đầu mối, chủ trì tổ chức thực hiện các giải pháp một cách hài hoà và hiệu quả.

Trần Thế Cường – Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường