Ngày 10/3/2023, tại phòng Hội thảo Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, được sự đồng ý của Ban Khoa học và Công nghệ và Ban Chủ nhiệm Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp đã tổ chức buổi seminar với chủ đề “Giải pháp số trong quản lý nguồn lực tại hợp tác xã và nông hộ”. 

Khởi đầu buổi seminar, đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Trần Minh Huệ đã trình bày bài báo cáo với nội dung: “Ứng dụng công nghệ số trong quản lý tại các hợp tác xã dịch vụ điện năng”. Bài báo cáo đã chia sẻ thực trạng áp dụng công nghệ số trong quản lý tại các hợp tác xã dịch vụ điện năng hiện nay. Bài báo cáo cũng đã tổng kết các ưu điểm của ứng dụng công nghệ số như: (i) Hợp tác xã (HTX) thường xuyên tra cứu lượng điện tiêu thụ của các hộ trong HTX; (ii) thường xuyên cập nhật số tiền thu được trong ứng dụng quản lý thu tiền trong ngày, tiền thu của từng khách; (iii) người dùng điện có thể tự tra cứu được lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình qua app điện thoại. Như vậy, các HTX đã tăng tiện ích cho khách hàng khi sử dụng chuyển đổi số; tiết kiệm điện năng, công lao động như ghi số liệu, kế toán nhập liệu; và giảm thiểu sai sót…

 

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh của buổi seminar 

 

Tiếp nối chương trình, ThS. Trần Nguyễn Thị Yến đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo: “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh của Hợp tác xã Nông nghiệp khu vực phía Bắc: Thực trạng và hàm ý chính sách”. Báo cáo trình bày nội dung về tìm hiểu thực trạng ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, kết quả cho thấy các HTX chưa chủ động đầu tư cho việc ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh của HTX, nguyên nhân chính là HTX còn khó khăn về nguồn lực; tại phần lớn HTX nông nghiệp cán bộ có độ tuổi khá cao và quen với phong cách làm việc truyền thống; quy mô vốn, lĩnh vực hoạt động nhỏ nên phát triển thương mại điện tử là chưa cần thiết; và những lo ngại về tính bảo mật thông tin cũng như kiểm soát bản quyền khi giao dịch điện tử của HTX. Do đó, cần phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; cử cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử của HTX; phát triển liên kết và năng lực cải thiện tài chính của HTX; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng tăng cường kế hoạch đầu tư.

Đặc biệt, Hội thảo đã mời ông Nguyễn Thành Mộng, Giám đốc Công ty Surimachi Việt Nam trực thuộc Surimachi Group chia sẻ kinh nhiệm ứng dụng phần mềm kế toán và quản trị tại HTX. Vấn đề của các HTX hiện nay là kinh doanh không ổn định và sản xuất không an toàn nên cần minh bạch thông tin về tài chính và quản lý quy trình sản xuất. Surimachi Vietnam đã triển khai các phần mềm cho các hợp tác xã và trang trại ở Việt Nam. Phần mềm WACA giúp minh bạch cho công tác kế toán HTX, giúp HTX phát triển mạnh hơn, mở rộng quy mô thành viên. HTX có thể sử dụng một cách thuận tiện bằng việc đăng nhập website www.waca.vn để sử dụng phần mềm kế toán HTX. Sử dụng phần mềm kế toán WACA giúp giải quyết các khó khăn trong công tác kế toán HTX tại Việt Nam bao gồm: Tổng hợp số liệu theo thông tư 24/2017/TT-BTC và TT 133/2016/TT-BTC; Phần mềm được cập nhật tài khoản của kế toán theo hướng dẫn của chế độ; Hỗ trợ tính giá thành; Quản lý góp vốn; Hỗ trợ kê khai báo cáo tài chính; Quản lý tín dụng nội bộ; Cảnh báo và phân tích dữ liệu. Phần mềm được xem là giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý HTX.

PGS.TS. Trần Quang Trung đã tổng kết các nội dung chính trao đổi trong seminar, đồng thời cũng đề xuất những hướng nghiên cứu mới, cũng như quan hệ hợp tác có thể phát triển trong đào tạo giữa VNUA & Sorimachi, nhằm hướng đến hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong các HTX tại Việt Nam, cũng như giúp các HTX có những giải pháp tốt hơn trong quản lý nguồn lực trên cơ sở nền tảng số.

Nhóm NCM Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, 2023