Úc là một trong những nước có ngành chăn nuôi phát triển, đặc biệt chăn nuôi gia súc của Úc được đánh giá là hiệu quả nhất trên thế giới, và đứng thứ 3 trên thế giới vể xuất khẩu thịt bò. Tổng lượng đàn gia súc của Úc hiện có khoảng 30 triệu con. Diện tích phục vụ ngành chăn nuôi bò chiếm trên 55% diện tích nông nghiệp Úc và hàng năm đã giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động làm việc trong toàn chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, bán lẻ.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò và cừu) của Úc đang gây ra những tác động tới môi trường, khi phát thải lượng khí nhà kính cao. Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí Metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí Metan, Nitơ oxit từ phân động vật. Theo nghiên cứu, các loài động vật nhai lại như trâu, bò, cừu, chiếm đến 80% tổng lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường và gây ra các biến đổi khí hậu lớn đối với trái đất. Tại Hội nghị COP26, Úc đã có cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "không" vào năm 2050. Hiện nay, Úc cũng đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người chăn nuôi của nước này áp dụng các biện pháp để giảm thiểu khí thải nhà kính. Tuy nhiên, việc xác định các điểm tối ưu để vừa giảm thải khí nhà kính trong chăn nuôi, vừa đảm bảo lợi nhuận cho các nông trại ở Úc nên nghiên cứu sinh Phạm Kiều My (NCS Đại học Tasmania (UTAS), Úc; nghiên cứu viên tại BM Phân tích định lượng; đoàn viên của Chi đoàn cán bộ Khoa Kinh tế & PTNT) đã lựa chọn đề tài “Phát triển chăn nuôi bền vững thân thiện với môi trường thông qua giảm thiểu khí thải nhà kính trong nông trại ở Úc” (Improving environmental sustainability of livestock through understanding carbon cycling on farm) để nghiên cứu.

leftcenterrightdel
ThS. Trần Thế Cường, Bí thư Chi đoàn Cán bộ Khoa phát biểu khai mạc 
 

Nhận thấy đây là một trong những ý tưởng nghiên cứu mới có thể áp dụng cho các đề xuất nghiên cứu ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam cũng có các cam kết giảm phát thải ròng bằng "không" vào năm 2050, Chi đoàn cán bộ Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn phối hợp với nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường đã tổ chức seminar để NCS Phạm Kiều My chia sẻ ý tưởng nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu đã và đang tiến hành.

leftcenterrightdel
NCS Phạm Kiều My trình bày ý tưởng nghiên cứu 
 

Trong bài trình bày của mình, NCS Phạm Kiều My đã trình bày mục tiêu chung của đề tài nhằm phát triển mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng giải quyết các vấn đề môi trường. Đối với hướng tiếp cận về nội dung, đề tài áp dụng lí thuyết ra quyết định trong chăn nuôi: quyết định của nông dân để giảm thiểu khí thải và tối đa hóa lợi nhuận trong chăn nuôi bò và cừu.

leftcenterrightdel
 Khung lý thuyết: Phân tích ra quyết định
 

Đối với hướng tiếp cận về phương pháp, nghiên cứu áp dụng phương pháp mô hình quy hoạch phi tuyến số nguyên để dự báo xu hướng chung trong các quyết định của nông dân về chăn nuôi bò và cừu. Bên cạnh đó, bài trình bày cũng giới thiệu về phần mềm What’s Best của công ty Lindo, một trong số những phần mềm phổ biến cho việc phân tích các mô hình tối ưu hóa.

leftcenterrightdel
 Thảo luận xung quanh ý tưởng nghiên cứu
 

Ngoài ra, NCS Phạm Kiều My cũng chia sẻ thêm công ty Lindo đang có chương trình sử dụng miễn phí phần mềm What’s Best và Lingo cho mục đích giáo dục. Người đọc có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng và và download phần mềm bằng các đường link dưới đây.

https://www.lindo.com/index.php/news/informs-o-r-and-analytics-student-team-competitors/research-license-for-wb

https://www.lindo.com/index.php/news/informs-o-r-and-analytics-student-team-competitors/research-license-for-lingo

Nguyễn Thị Lý, Ninh Xuân Trung & Phạm Kiều My, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn