Thực hiện chủ trương hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đồng thời nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên trong Khoa hướng tới xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có đủ khẳ năng triển khai các công trình nghiên cứu các cấp đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn và đẳng cấp quốc tế, chiều ngày 27/11/2017, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi Seminar chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.
Đến dự với buổi chia sẻ có đại diện Chi ủy - Ban chủ nhiệm Khoa, các thầy cô Trưởng, Phó các Bộ môn, các nhà khoa học có chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu và các giảng viên trẻ trong toàn khoa.
Tại seminar, TS. Quyền Đình Hà đã trình bày về Phương pháp nghiên cứu định tính trong nghiên cứu phát triển nông thôn. Bài viết đã chỉ rõ một cách chuyên sâu về khái niệm, bản chất và nguyên tắc cũng như những kỹ thuật và lưu ý khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng các bộ công cụ trong nghiên cứu định tính đặc biệt là nghiên cứu có sự tham gia (RRA, PRA và PLA) trong nghiên cứu phát triển nông thôn. Chia sẻ thêm trong buổi sinh hoạt học thuật, PGS.TS Mai Thanh Cúc – Trưởng Bộ môn Phát triển nông thôn nhấn mạnh thêm: Nghiên cứu phát triển nông thôn cần chú ý tới đối tượng trọng tâm, trung tâm trong quá trình phát triển là nông thôn do đó khi vận dụng cần phải lưu tâm và đánh giá đúng vai trò cũng như huy động được sự tham gia, chia sẻ và hợp tác một cách tự nguyện, tích cực từ phía họ thì mới có được kết quả nghiên cứu phù hợp và thực tế.
Chia sẻ tại seminar, TS. Nguyễn Minh Đức đã giới thiệu đến toàn thể các nhà khoa học trong Khoa đề tài nghiên cứu “Chính sách và giá trị kinh tế của dịch vụ môi trường rừng ở khu vực Tây Bắc, Việt Nam”. Đây là công trình nghiên cứu được các thầy cô và nhà khoa học đánh giá cao, có tính mới và có nhiều đóng góp về mặt học thuật, lý luận mới về một lĩnh vực mới và cần thiết ở Việt Nam. Đề tài sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó có sử dụng phương pháp GIS kết hợp với các phương pháp phân tích kinh tế. Đây là phương pháp nghiên cứu mới, chưa có một nghiên nào ở Việt Nam sử dụng. Do vậy, đề tài có đóng góp lớn về mặt phương pháp. Mặt khác, nghiên cứu cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề cũng khá mới mẻ hiện nay đó là “Nông nghiệp đô thị” đã được TS. Mai Lan Phương trình bày trong hội nghị. Đây là lĩnh vực được nhiều thầy cô và các nhà khoa học quan tâm. Nhiều chia sẻ và quan điểm đã được trình bày song tựu chung lại đề đánh giá cao ý tưởng của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề nông nghiệp đô thị thì hiện nay trong nước và trên thế giới có nhiều trường phái phát triển khác nhau như trường phái phát triển hàng hóa hay phát triển theo hướng tự túc. Đồng thời, hiện nay, nông nghiệp đô thị còn mang lại các giá trị khác ngoài giá trị kinh tế, góp phần vào an ninh lương thực, thực phẩm, an toàn thực phẩm tại chỗ… cho các khu đô thị mà còn mở ra các giá trị giải trí, giá trị sinh thái, cảnh quan… Qua nghiên cứu đã mở ra nhiều triển vọng nghiên cứu phối hợp về kinh tế - kỹ thuật cũng như hướng phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Buổi chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học có tính học thuật cao, nhiều phương pháp và lĩnh vực nghiên cứu mới được trình bày và gợi mở ra nhiều hướng nghiên cứu, hợp tác KHCN trong thời gian tới góp phần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực nghiên cứu cho Khoa trong thời gian tới.
Một số hình ảnh về buổi chia sẻ