Ngày 26/02/2022, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Association of Japan Alumi – VAJA) với sự tài trợ và hợp tác của Quỹ Quốc tế Toshiba (Toshiba International Foundation – TIFO) đã tổ chức buổi báo cáo trực tuyến nhằm công bố về kết quả xuất bản tuyển tập công trình nghiên cứu của các tiến sỹ trẻ và trình bày tóm tắt nội dung, kết quả nghiên cứu từ các báo cáo viên. Buổi báo cáo được thực hiện theo hình thức trực tuyến với tổng số gần 50 người tham dự bao gồm lãnh đạo của TIFO, Ban Chấp hành VAJA, các báo cáo viên và một số đại biểu thuộc các Trường đại học nơi các tiến sĩ đang làm việc.

Từ năm 2015, VAJA và TIFO đã ký kết hợp tác trong việc tuyển chọn, giới thiệu, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đã nhận bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản và trở về nước công tác 5 năm để quay trở lại Nhật Bản tiếp tục thực hiện các nghiên cứu ngắn hạn sau tiến sĩ theo kinh phí tài trợ của TIFO. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 VAJA đã tuyển chọn và giới thiệu được 20 tiến sĩ trẻ hoàn thành chương trình này, với các nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản. Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch covid-19, việc quay trở lại Nhật Bản thực hiện các nghiên cứu trên không thực hiện được. Thay vào đó, chương trình đã được tổ chức để hỗ trợ 15 tiến sĩ trẻ công bố nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam. Thời gian đăng ký thực hiện từ tháng 10/2021.

 

leftcenterrightdel
 

Sau các vòng tuyển chọn của Hội đồng chuyên môn, 15 nghiên cứu của 15 tiến sỹ trẻ từng nhận bằng tiến sỹ tại Nhật Bản thuộc các lĩnh vực khác nhau đã được lựa chọn. Sau các bước biên tập chuyên môn, vào giữa tháng 2 năm 2022, Tuyển tập các công trình nghiên cứu của các tiến sỹ trẻ đã được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.  Buổi báo cáo này được tổ chức nhằm ra mắt cuốn sách nêu trên, đồng thời cũng là để 15 tác giả của 15 công trình nghiên cứu báo cáo, chia sẻ kết quả nghiên cứu.

leftcenterrightdel
 

Tham dự buổi báo cáo có ông Keisuke Oomori – Chủ tịch TIFO, ông Kazuo Kusakabe – đại diện văn phòng TIFO tại Hà Nội, bà Ngô Minh Thuỷ – Chủ tịch VAJA, ông Phan Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VAJA, ông Trần Xuân Nam – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ VAJA và bà Nguyễn Huyền Trang – Phó Tổng thư ký VAJA cùng 15 ứng viên đã hoàn thành nghiên cứu theo học bổng của VAJA-TIFO năm 2021.

 
leftcenterrightdel
 Ông Omori Keisuke, Chủ tịch Quỹ TIFO phát biểu tại sự kiện
leftcenterrightdel
 Chủ tich VAJA- PGS.TS Ngô Minh Thủy phát biểu tại sự kiện
leftcenterrightdel
 Ông Kusakabe Kazu, Trưởng đại diện Văn phòng Toshiba khu vực Châu Á- Thái Bình Dương
tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại sự kiện.

Sau phần phát biểu khai mạc của ông Trần Xuân Nam, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ của VAJA, ông Oomori, ông Kusakabe và bà Ngô Minh Thuỷ đã phát biểu, cảm ơn và đánh giá cao công tác tổ chức của Ban chấp hành VAJA, Ban Khoa học Công nghệ thuộc VAJA, nhóm điều hành Chương trình hỗ trợ nghiên cứu VAJA- TIFO 2021 và các tiến sĩ trẻ đã vượt qua những khó khăn trong đại dịch co-vid 19 để hoàn thành được những nhiệm vụ nghiên cứu đã đăng ký.

Phần chính của buổi báo cáo, 15 tiến sĩ trẻ thuộc 9 Trường Đại học đã lần lượt trình bày các báo cáo kết quả nghiên cứu của mình. Các đề tài lần này được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, với các đối tượng nghiên cứu phong phú, có tính ứng dụng thiết thực trong các lĩnh vực. Về số lượng đề tài tham gia của các tiến sĩ từ các trường Đại học gồm: Đại học Cần Thơ: 4 đề tài; các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, và Đại học Đà Nẵng: mỗi Đại học tham gia 2 đề tài; các trường Đại học Hà Nội, Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, và Đại học Kỹ Thuật Lê Quý Đôn: mỗi trường tham gia 1 đề tài.

Về các lĩnh vực tham gia khóa này có các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi chiếm số lượng nhiều nhất gồm 6 đề tài; thuộc lĩnh vực kỹ thuật chế tạo và vật liệu: 3 đề tài; thuộc lĩnh vực sinh học, dược liệu: 2 đề tài; thuộc lĩnh vực kinh tế: 2 đề tài; thuộc lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường: 1 đề tài, và lĩnh vực học thuật: 1 đề tài.

Mặc dù thời gian nghiên cứu chưa được nhiều và sự đầu tư cho nghiên cứu cũng chưa phải là toàn diện đối với mỗi vấn đề đặt ra, nhưng với sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu về nông nghiệp của các tiến sĩ trẻ từ các Trường Đại học: Nông Lâm Thái Nguyên, Nông Lâm Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ĐH Cần Thơ, đã góp phần mở ra một số cách giải quyết thiết thực chủ yếu trong các vấn đề sản xuất, bảo tồn giống cây trồng như nho và dưa lê, dưa gang của Việt Nam, xử lý chất lượng đất đai, cải thiện điều kiện chăn nuôi tôm, xử lý dịch bệnh vật nuôi như cá nheo Mỹ và gà… đang là các vấn đề nóng thường trực ở ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các đề tài từ Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội và Đại học Đà Nẵng trong lĩnh vực chế tạo như sử dụng vật liệu từ tính, sử dụng phép đo giao thoa trong chế tạo bán dẫn, công nghệ nano siêu chính xác, đã đưa ra và xác định các yêu cầu nghiên cứu tiếp tục nhằm hoàn thiện không ngừng kỹ thuật trong các ngành chế tạo điện tử, vật liệu giảm chấn trong đối phó động đất và hệ thống treo của xe. Một hướng đi trong một đề tài về một giải pháp tăng hiệu quả cho việc thu thập năng lượng tín hiệu cao tần có nhu cầu ứng dụng cao trong quản lý môi trường cũng là một đề tài rất đáng được quan tâm trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, đến từ Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn.

Trong lĩnh vực sinh học dược liệu, 2 đề tài đều do 2 tiến sĩ trẻ tại Đại học Cần Thơ thực hiện được tập trung vào các cây dược liệu sẵn có tại đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá kỹ việc sử dụng các dược liệu có sẵn để có hướng ứng dụng sâu hơn đối với các dược liệu chế tạo thuốc chống viêm và chống nấm, kháng khuẩn.

Lĩnh vực quản lý kinh tế được một tiến sĩ trẻ tại Đại học Đà Nẵng nghiên cứu với đề tài phân biệt sự khác nhau trong các báo cáo thường niên của các công ty theo các mẫu khác nhau với cùng một mục đích, nhưng tính ứng dụng đối với các nhà đầu tư sẽ khác nhau và gợi ý hướng xử lý trong quản lý đầu tư. Một đề tài khác từ Đại học Y Dược-ĐH Quốc gia Hà Nội về ảnh hưởng của tiếp thị và dịch vụ đối với mối quan tâm tiếp tục sử dụng của khách hàng cũng là một đề tài tuy không mới trong kinh doanh thương mại nhưng cũng là một vấn đề được quan tâm trong ngành Y tế khi mà vấn đề xã hội hóa ngành Y tế đang được mở rộng ở Việt Nam.

Một đề tài nghiên cứu một biện pháp trong xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải của ngành dệt may, đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Nghiên cứu tập trung vào một cơ chế xử lý chất thải bằng hấp phụ lên các hạt nano α-Al2O3 biến tính polycation trong các điều kiện khác nhau.

Hầu hết các đề tài đều được nghiên cứu trong sự hợp tác và tham khảo với một số Trường đại học liên quan của Nhật Bản cũng như các giáo sư đã từng giảng dạy các tiến sĩ trẻ. Điều này đã góp phần cho việc nghiên cứu và kết quả của các đề tài đạt được đúng các mục đích của chương trình Fellowship, góp phần tăng cường giao lưu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết lẫn nhau, sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản.

Mặc dù còn cần phải có các bước tiếp theo về thủ tục hoặc nghiên cứu thiết kế ứng dụng thực tiễn hơn nữa đối với các đề tài đã được báo cáo tại Hội nghị này để có thể đưa vào thực tiễn của sản xuất kinh doanh hoặc quản lý nhà nước, song việc báo cáo và xuất bản các công trình nghiên cứu trên cũng đã đánh dấu một thành công lớn của hoạt động hợp tác giữa VAJA và TIFO. Từ đó có cơ sở để tin tưởng rằng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa VAJA-TIFO sẽ càng tăng cường và hiệu quả hơn.

Có một điều khá đặc biệt đối với khóa nghiên cứu lần này của chương trình đó sự tham gia của số lượng lớn các nhà nghiên cứu trẻ là nữ (6/15) cũng nói lên một ý nghĩa lớn trong việc quan tâm đào tạo của VAJA trong sự phối hợp với TIFO cũng như sự tự hào của đội ngũ các nhà khoa học nữ của các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Buổi báo cáo kết quả Học bổng nghiên cứu quỹ Toshiba năm 2021-2022 đã diễn ra hết sức đầm ấm với những chia sẻ rất chân tình từ phía đại diện các bên. Hy vọng rằng nối tiếp sự thành công tốt đẹp của chương trình năm trước, Quỹ Quốc tế Toshiba cùng với CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tạo điều kiện để có thật nhiều hơn những tiến sĩ sẽ có cơ hội trở lại Nhật Bản, tiếp tục nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như ngày càng phát triển  tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Ban truyền thông – VAJA