Chiều ngày 12/05/2025, tại Phòng Hội thảo – Khoa Kinh tế và Quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Quy trình ứng dụng công nghệ WebGIS cho quản lý thông tin phát triển nông nghiệp”. Buổi Seminar được chủ trì bởi PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng, với phần trình bày của PGS.TS Mai Thanh Cúc. Buổi sinh hoạt thu hút sự tham gia đông đảo của các giảng viên, nghiên cứu viên trong khoa, tạo nên một không khí học thuật sôi nổi và cởi mở.

Trong phần mở đầu, PGS.TS Mai Thanh Cúc nhấn mạnh rằng WebGIS có thể được định nghĩa một cách đơn giản là hệ thống GIS được triển khai trên nền tảng Web. Việc tích hợp GIS vào môi trường Internet/Intranet giúp tận dụng tối đa những lợi thế của công nghệ mạng, và đang trở thành một xu hướng quan trọng trong nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Mai Thanh Cúc trình bày tại buổi Seminar

Tiếp đó, PGS.TS Mai Thanh Cúc trình bày chi tiết quy trình ứng dụng WebGIS vào quản lý thông tin phát triển nông nghiệp, gồm hai bước cơ bản: xây dựng cơ sở dữ liệu và thiết kế hệ thống WebGIS. Ở bước đầu tiên, cơ sở dữ liệu bao gồm hai loại chính: dữ liệu thuộc tính (phi không gian) và dữ liệu không gian. Dữ liệu thuộc tính bao gồm các thông tin như: số liệu về nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp; báo cáo chuyên ngành; hiện trạng sản xuất và hệ thống các lĩnh vực như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi – thú y, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn, quản lý chất lượng nông sản; cùng với các báo cáo về phân bố vùng sản xuất, dự báo tình hình và cảnh báo nguy cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Dữ liệu không gian được xây dựng từ các lớp bản đồ chuyên đề, sử dụng các phần mềm chuyên dụng như MicroStation, AutoCAD, MapInfo… nhằm thể hiện đầy đủ thông tin hiện trạng, phân bố và dự báo ở các lĩnh vực như trồng trọt – bảo vệ thực vật, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Sau khi thu thập, dữ liệu sẽ được chuẩn hóa theo cấu trúc định dạng phù hợp. Dữ liệu không gian được chuẩn hóa định dạng và cấu trúc toán học, trong khi dữ liệu phi không gian được chuyển về dạng bảng CSV, sau đó được nhập vào hệ cơ sở dữ liệu PostgreSQL.

Ở bước thứ hai, quá trình xây dựng WebGIS bao gồm các công đoạn như thiết kế chức năng của trang web, xây dựng kịch bản sử dụng và tổ chức triển khai các chức năng quản lý, khai thác và cập nhật dữ liệu. Đây là bước then chốt để đảm bảo dữ liệu được truy cập và sử dụng hiệu quả trong môi trường số hóa.

Bài trình bày của PGS.TS Mai Thanh Cúc đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía các giảng viên và nghiên cứu viên. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhằm trao đổi thêm về chi phí triển khai, khả năng tích hợp WebGIS với các nền tảng số hiện có, cũng như ứng dụng của hệ thống trong bối cảnh nông nghiệp – nông thôn Việt Nam hiện nay. Các thảo luận xoay quanh tiềm năng hỗ trợ công tác quản lý, lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên dữ liệu không gian trong ngành nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Mai Thanh Cúc trả lời câu hỏi của các thầy/cô

Buổi seminar khép lại trong không khí hào hứng với nhiều ý tưởng nghiên cứu mới được đề xuất, mở ra triển vọng tăng cường liên kết liên ngành trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ WebGIS, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Đồng Thanh Mai – Nhóm NCM Quản lý phát triển nông thôn