Lúa gạo là nguồn lương thực chính cho hơn một nửa dân số toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á. Tuy nhiên, sản xuất lúa cũng tiêu tốn một lượng nước tưới đáng kể, nhất là trong hệ thống canh tác lúa nước truyền thống với việc duy trì lớp nước liên tục trên bề mặt ruộng. Để thích ứng với tình trạng thiếu hụt nước ngày càng nghiêm trọng cũng như giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mê-tan (CH4), các kỹ thuật tưới nước tiết kiệm như ngập ẩm luân phiên đã được áp dụng ở nhiều vùng sản xuất lúa.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước này nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giảm phát tán khí mê-tan, trong khi năng suất lúa có thể ngang bằng hoặc cao hơn hệ thống tưới ngập liên tục. Tuy nhiên, ngập ẩm luân phiên làm tăng quá trình nitrat hóa dẫn đến tăng hàm lượng đạm nitrat (NO3-) trong đất, đồng thời kích thích hạt cỏ mọc mầm, gồm cả các loài cỏ ưa ẩm, làm thay đổi hệ sinh thái cỏ dại trên ruộng. Hơn nữa, các loài thực vật cho thấy sự ưa thích khác nhau với dạng đạm hút. Do vậy, những thay đổi này trong hệ thống tưới tiết kiệm nước có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cạnh tranh lúa và các loài cỏ dại.
Trong sự hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trường đại học Hohenheim (Đức), dưới sự tài trợ của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), chúng tôi đã nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng đạm NO3- và amôn (NH4+) đến khả năng cạnh tranh của hai giống lúa phổ biến ở Việt Nam (Khang dân 18 và Nhị ưu 838) và hai loài cỏ dại (cỏ lồng vực nước - Echinochloa crus-galli và cỏ lu lu đực - Solanum nigrum). Khang dân 18 là giống lúa thuần, trong khi Nhị ưu 838 là giống lúa lai, tốc độ sinh trưởng nhanh. Lồng vực nước là loài cỏ phổ biến và gây hại nghiêm trọng trong sản xuất lúa. Lu lu đực là loài cỏ dại phổ biến trên đất ẩm, được lựa chọn để đánh giá khả năng cạnh tranh cạnh tranh của các loài cỏ ưa ẩm trong điều kiện tăng hàm lượng NO3-.
|
|
Thí nghiệm cạnh tranh lúa và cỏ dại trong nhà lưới |
Kết quả nghiên cứu trong điều kiện môi trường có kiểm soát cho thấy, dạng đạm có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng cạnh tranh giữa lúa và cỏ dại. Trong cạnh tranh với lúa, hàm lượng NO3- cao làm tăng sinh trưởng và khả năng cạnh tranh của cây lu lu đực nhưng lại làm giảm sinh trưởng và khả năng cạnh tranh của cây cỏ lồng vực nước. Khác với cây lúa, sinh trưởng của cây lu lu đực không bị giảm trong điều kiện không khí khô, trong khi tốc độ hút dinh dưỡng của nó có tương quan chặt với tốc độ hút nước, cho thấy rằng cỏ dại ưa ẩm sẽ cạnh tranh tốt hơn với cây lúa về dinh dưỡng trong điều kiện độ ẩm không khí thấp. Kết quả của chúng tôi cho rằng tăng hàm lượng NO3- do quá trình nitrat hóa trong đất lúa tưới ngập ẩm luân phiên có thể có lợi cho khả năng cạnh tranh của cỏ dại ưa ẩm, đặc biệt là ở điều kiện không khí khô, trong khi điều này lại là bất lợi cho các loài cỏ dại phổ biến ở đất ngập nước.
|
|
Chỉ số cạnh tranh của lúa với cỏ dại trong điều kiện độ ẩm không khí cao (low VPD) và thấp (high VPD) |
Những kết quả này cho thấy việc chọn tạo các giống lúa có khả năng thích ứng tốt hơn với sự hấp thụ NO3- sẽ cải thiện khả năng sinh trưởng và cạnh tranh của lúa đối với cỏ dại trong hệ thống tưới tiết kiệm nước. Hơn nữa, ảnh hưởng của quá trình nitrat hóa trong đất đối với sinh trưởng và cạnh tranh cỏ dại của cây lúa cần được xem xét khi đánh giá tác động của hệ thống tưới tiết kiệm nước. Kết quả này là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Kết quả chi tiết được đăng tải trong bài báo: https://doi.org/10.1111/jac.12562
TS. Vũ Duy Hoàng
Bộ môn Canh tác học
Thành viên nhóm nghiên cứu mạnh cây lúa, Khoa Nông học