Trám đen (Canarium tramdenum Dai and Yakovl.) là loại cây lâm nghiệp thuộc họ Trám (Burseraceae). Cây được giám định tên khoa học lần đầu là Pimela nigra Lour. (năm 1790), sau đó được chuyển thành Canarium nigrum (Lour.) Engl. (năm 1900s) và Canarium pimela Leench (năm 1805). Năm 1985, trám đen được đánh giá lại bởi hai nhà thực vật học Trần Định Đại và Yakolev và được miêu tả là Canarium tramdenum Dai and Yakovl (Nguyễn Thế Cường & cs., 2015). Theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), trám đen được xếp ở mức sẽ nguy cấp (VU A1a,c,d+2d), được khuyến nghị gây trồng. Điều này đòi hỏi sự quan tâm từ phía các nhà nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn để phát triển các giải pháp bền vững nhằm khai thác và bảo vệ loài cây này. Nhiều dự án phát triển cây trám đen đã được thực hiện ở Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lai Châu,… Tại Hòa Bình, trám đen là một trong ba loại cây đa mục tiêu được chọn trồng nhằm thúc đẩy phục hồi rừng ở Campuchia và Việt Nam trong khuôn khổ dự án của Tổ chức hợp tác lâm nghiệp châu Á (Asian Forest Cooperation Organization, 2020).

Trám đen được dùng ở Việt Nam như thực phẩm và để chữa bệnh. Phần dùng làm thực phẩm thường là thịt quả chín, dùng để om, kho thịt, kho cá hoặc làm ô mai. Quả và lá được dùng chống tiêu chảy và thấp khớp (Hoang Van Sam & cs., 2004). Phần lá chứa nhiều polyphenol (Wu & cs., 2017) và các hợp chất terpen (Trần Đức Thắng & cs., 2014) có hoạt tính chống oxy hóa và chống co mạch (Wu & cs., 2017). Chất chiết thân trám thể hiện khả năng kháng enzyme α-glucosidase cao hơn so với acarbose, vốn là một loại thuốc được dùng trong điều trị tiểu đường.

leftcenterrightdel
 Quả trám đen.

Để đa dạng hóa sản phẩm từ cây trám đen, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển loài cây này, nghiên cứu khai thác thịt quả trám đen đã được thực hiện tại Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Điều kiện trích ly dầu từ thịt quả đã được xác định, bao gồm: dung môi ethyl acetate, tỷ lệ bột thịt trám đen khô/ethyl acetate là 1/10 (w/v), nhiệt độ 40oC, trích ly hai lần (30 phút cho lần 1 và 15 phút cho lần 2). Dầu thô từ thịt quả trám đen đạt TCVN 7597:2018 cho dầu nguyên chất và dầu ép nguội, chứa các acid béo chính là oleic acid (40,41% tổng lượng acid béo), palmitic acid (38,21%) và linoleic acid (17,68%). Điểm nổi bật ở dầu thô từ thịt quả trám đen chính là hàm lượng polyphenol rất cao, vượt xa so với các loại dầu ăn thông thường như dầu lạc, dầu dừa, dầu cám gạo hay dầu hướng dương. So với các loại dầu oliu được thu thập tại nhiều vùng khác nhau ở Ý, dầu trám đen có hàm lượng polyphenol kháng oxy hóa thuộc nhóm cao. Điều này cho thấy dầu thịt quả trám đen có thể phối trộn cùng với một số loại dầu có giá trị sinh học cao nhưng nhạy cảm với sự oxy hóa (dầu cá, dầu hạt lanh,… chứa nhiều acid béo không no đa nối đôi) như một biện pháp bảo quản dầu một cách tự nhiên chống lại quá trình oxy hóa.

Quá trình tách chiết polyphenol từ bã trám đen sau trích ly dầu đã được tối ưu hóa bằng phương pháp bề mặt đáp ứng. Bột chiết đông khô có hàm lượng polyphenol cao, đồng thời có khả năng ức chế enzyme α-glucosidase mạnh gấp khoảng 30 lần so với acarbose, một loại thuốc điều trị tiểu đường type 2. Điều này mở ra tiềm năng ứng dụng bột chiết từ bã trám đen trong phát triển các sản phẩm thực phẩm dành cho người mắc bệnh tiểu đường, một căn bệnh đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Bằng kỹ thuật UPLC-MS, 32 hợp chất trong bột chiết đông khô đã được sơ bộ định tên. Các hợp chất này thuộc ba nhóm hợp chất thứ cấp bao gồm polyphenol, alkaloid và triterpene. Xác định định lượng và hoạt tính sinh học của các hợp chất này cần được thực hiện tiếp theo để khai có thể khai thác toàn diện và hiệu quả thịt quả trám đen.

Tài liệu tham khảo:

1.      Asian Forest Cooperation Organization (2020). Significant steps made towards restoring and rehabilitating forests in Cambodia & Viet Na. Truy cập từ https://afocosec.org/newsroom/news/feature-significant-steps-made-towards-restoring-and-rehabilitating-forests-in-cambodia-viet-nam ngày 5/11/2022.

2.      Hoang V.S., Nanthavong K. & Keßler P.J.A. (2004). Trees of Laos and Vietnam: a field guide to 100 economically or ecologically important species. Blumea: Journal of Plant Taxonomy and Plant Geography. 49: 201–349.

3.      Nguyễn Thế Cường, Đỗ Văn Hài, Dương Thị Hoàn, Nguyễn Thị Huyền & Nguyễn Trung Thành (2015). Phân loại họ Trám (Buseraceae Kunth) ở Việt Nam. Báo cáo Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6, 21/10/2015, ISBN: 978-604-913-4088-1): 33-38.

4.      Tran D. T., Do N. D., Ngo X. L. & Ogunwand I. A. (2014). Constituents of essential oils from the leaves, stem barks and resins of Canarium parvum Leen., and Canarium tramdenanum Dai et Yakovl. (Burseracea) grown in Vietnam. Natural product research. 28(7): 461–466.

5.      Wu J., Fang X., Yuan Y., Dong Y., Liang Y., Xie Q., Ban J., Chen Y. & Lv Z. (2017). UPLC/Q-TOF-MS profiling of phenolics from Canarium pimela leaves and its vasorelaxant and antioxidant activities. Brazilian journal of pharmacognosy. 27: 716–723.

Lại Thị Ngọc Hà - Khoa Công nghệ thực phẩm