Với mục đích trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến giảng dạy phúc lợi động vật trong đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y tại các trường Đại học Việt Nam. Ngày 28/12/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Thức ăn và sản phẩm chăn nuôi an toàn, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phúc lợi động vật trong đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y tại các trường đại học ở Việt Nam”. Hội thảo diễn ra trực tiếp tại phòng hội thảo Khoa Chăn nuôi và trực tuyến trên phần mềm Zoom.
Tham dự buổi hội thảo khoa học có PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng Khoa Chăn nuôi, trưởng nhóm nghiên cứu, giảng viên trong các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa cũng như giảng viên khác trong Học viện. Bên cạnh đó, khách mời tham gia hội thảo còn có đại diện của tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam; đại diện các cơ quan: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Viện Chăn nuôi cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, đại diện lãnh đạo của các trường Đại học; đại diện các doanh nghiệp và rất nhiều sinh viên trong và ngoài khoa quan tâm tham dự hội thảo.
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng nhóm nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề hiện đại hoá kỹ thuật và thương mại hoá vì lợi nhuận đã làm cho chăn nuôi trở nên vô nhân đạo hơn với chính đối tượng chăn nuôi, tước bỏ đi những phúc lợi cơ bản của con vật... Do đó, nhóm nghiên cứu mạnh đã tổ chức buổi hội thảo này để cùng tìm hiểu vấn đề phúc lợi động vật trong đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y trong các trường đại học ở Việt Nam.
Trong buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày bài “Phúc lợi động vật từ thế giới đến Việt Nam”. Qua bài chia sẻ tác giả đã giúp mọi người có cái nhìn toàn diện về phúc lợi động vật và quá trình đưa phúc lợi động vật vào Việt Nam: bắt đầu 2009 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với sự hỗ trợ Hiệp hội bảo vệ phúc lợi động vật thế giới; hình thành mạng lưới thúc đẩy dân trí về phúc lợi động vật, tổ chức Hội thảo, thành lập mạng lưới giáo dục, dịch các tài liệu về bài giảng phúc lợi động vật.... GS.TS. Lê Đình Phùng – Đại học Nông Lâm Huế đã trình bày bài báo cáo “Hội đồng tư vấn đạo đức trong nghiên cứu trên động vật”.
Buổi hội thảo còn có sự tham gia của TS. Nguyễn Kiên Cường – Khoa Chăn nuôi thú y – Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chia sẻ nội dung “Dạy và học môn phúc lợi động vật tại trường ĐH Nông Lâm TP.HCM”. Qua bài chia sẻ đã cho chúng ta thấy được những thuận lợi và khó khăn khi đưa môn phúc lợi động vật vào chương trình đào tạo đại học. Cuối chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày bài “Phúc lợi động vật trang trại trong chương trình đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam”; bài chia sẻ đã đưa ra kết quả khảo sát về lựa chọn của các trường ĐH có giảng dạy phúc lợi động vật trang trại.
Sau phần chia sẻ của giảng viên trong Học viện và các trường đại học khác, doanh nghiệp và sinh viên cũng đánh giá rất cao bài chia sẻ của các chuyên gia. Đặc biệt, chuyên gia của HSI Huỳnh Thị Thanh Thuỷ tham gia giảng dạy tại Đại học Nông lâm TP. HCM đã phát biểu: Những kết quả đạt được vượt quá mong đợi của HIS; Muốn sinh viên học môn học này nhiều thì giảng viên cần có năng lực chuyên môn, năng lực truyền đạt để các em sinh viên thấy rằng đây là lĩnh vực quan trọng và hấp dẫn; bên cạnh đó thế giới nghiên cứu các vấn đề về tập tính và PLĐV rất nhiều và nhiều công trình công bố bài báo uy tín trên thế giới.
Kết thúc chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng đã gửi lời cảm ơn đến quý khách mời, giảng viên trong và ngoài khoa, doanh nghiệp và các bạn sinh viên đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận có ý nghĩa góp phần thành công buổi hội thảo. Hy vọng trong thời gian tới các giảng viên đại biểu dự hội thảo sẽ tiếp tục hành động từ từng vị trí của mình để môn Khoa học Phúc lợi động vật có được vị trí xứng đáng trong chương trình giáo dục tại Việt Nam.
Một số hình ảnh trong buổi seminar:
Nhóm NCM Thức ăn và sản phẩm chăn nuôi an toàn