Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện là sự kế thừa, phát triển các chuẩn mực con người phương Đông trong lịch sử, trong đó, chủ yếu và trực tiếp nhất, là các phạm trù triết học Nho giáo về triết lí nhân sinh, đạo đức và tri thức để làm người, đồng thời được soi sáng bởi nguyên lý duy vật lịch sử về con người của triết học Mác – Lê nin và đặc biệt là xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.

 

leftcenterrightdel
 Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958 ( Ảnh tư liệu)
       

Mặc dù Hồ Chí Minh không viết tác phẩm riêng bàn về con người nhưng vấn đề con người luôn là chủ đề trung tâm, xuyên suốt trong tư tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi con người là mục tiêu, phương tiện và động lục của cách mạng, cho nên, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [5, tr.66]. Con người mới xã hội chủ nghĩa phải là con người phát triển toàn diện, theo Hồ Chí Minh, trước hết, là con người có lí tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người, có tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người và xã hội loài người, đó là con người “hồng thắm”; thứ hai, là con người có phẩm chất tốt đẹp như: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, thẳng thắn, liêm khiết, khiêm tốn, dũng cảm, đó là con người “có đức”. Để những con người “hồng thắm” và “có đức” này mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội thì cần phải có sự hiểu biết, năng lực chuyên môn và thể hiện ở hành động, hiệu quả trong lao động, cần cù sáng tạo, không sợ khó, sợ khổ, có năng lực làm chủ bản thân và trong công việc, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ đó là con người “chuyên sâu” và “có tài”. Theo Người, “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, bởi: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” [5, tr.66]. Tuy nhiên, phát triển con người toàn diện cần phải có một quá trình giáo dục, đào tạo và rèn luyện lâu dài, công phu với nhiều phương thức khác nhau. Trước hết, theo Người, việc xây dựng và phát triển một nền giáo dục mới là con đường cơ bản để phát triển con người toàn diện, bởi: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên” [2, tr.413]. Nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa phải có nội dung giáo dục toàn diện cả về chính trị, quân sự, văn hóa, đạo đức, khoa học, kĩ thuật,... của nền giáo dục mới sẽ cung cấp cho con người tri thức toàn diện, rèn luyện cho con người năng lực toàn diện để tự tin bước vào xã hội mới. Người viết: “Trong giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động sản xuất” [4, tr.647] Từ đó, tạo ra sự phát triển hài hòa về lí trí, tình cảm, kiến thức, kĩ năng và thái độ của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần quan trọng cho sự ra đời và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Yếu tố quyết định đối với sự phát triển toàn diện con người là sự chủ động, tích cực, tự giác rèn luyện, vươn lên của cá nhân. Bằng kinh nghiệm của bản thân, bằng những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa nhân tố chủ quan và khách quan cùng với sự nghiên cứu, tổng kết lịch sử, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” [2,596]. Từ đó, suy rộng ra nghĩa là trong sự phát triển các phẩm chất, năng lực mọi mặt của con người, các nhân tố khách quan dù quan trọng đến đâu cũng không thể thay thế được nhân tố chủ quan, không thể thay thế được sự tự giác vươn lên về mọi mặt của các cá nhân. Con người với tư cách là chủ thể trong sự phát triển của nó, luôn là nhân tố cơ bản để hình thành nên những nhân cách vẹn toàn, những cá nhân phát triển toàn diện. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, trong việc phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam, cần phải đặc biệt chú ý đến phát triển ý thức tự giác, tinh thần tự lập, tự cường, năng lực tự vươn lên không biết mệt mỏi của con người. Hồ Chí Minh viết: “Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ” [3, tr.120].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện, được tiếp thu và thể hiện nhất quán trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ thực tiễn đất nước, Đảng đã xác định, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì việc xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, coi đó là “một mục tiêu của chiến lược phát triển”, “phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” [6] có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta.

leftcenterrightdel
 

Gần một thế kỷ trôi qua nhưng tinh thần xây dựng “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của Hố Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, nó là những gọi mở quan trọng trong việc đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay theo hướng khai phóng với phương châm: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[1]. Thực chất là đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa khả năng sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, khơi gợi sự sáng tạo bên trong bộ óc con người, tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân. Trong quá trình giáo dục phải trang bị cho người học khả năng vận dụng kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết một vấn đề nan giải. Thay vì chỉ đào sâu trong một lĩnh vực cụ thể, người học theo định hướng khai phóng sẽ tìm tòi, khám phá các vấn đề, ý tưởng, về phương pháp, kĩ năng, cách tự học, cách sử dụng, khai thác các thiết bị, gắn lí thuyết với thực hành,… và dạy làm người với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với việc phát triển nền giáo dục thì vấn đề "tự giáo dục" của mỗi cá nhân sẽ là yếu tố quyết định đến việc phát triển con người toàn diện. Theo đó, mỗi cá nhân cần phải liên tục cập nhật kỹ năng, hoàn thiện mình để thích ứng với tình hình mới hội tụ những phẩm chất của công dân toàn cầu, là người có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng, giao tiếp, thích ứng trong những môi trường văn hóa khác nhau, môi trường đa văn hóa; tôn trọng quyền con người, sự đa dạng; trân trọng, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đất nước mình, đồng thời có ý thức học hỏi những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, quốc gia khác, góp phần làm cho địa phương, đất nước, thế giới tốt đẹp và phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật. Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 ThS. Nguyễn Thị Thanh Minh – Khoa Khoa học xã hội